Không chỉ gây thiệt hại về người, bão Eta còn phá hủy hệ thống đường sá, các bệnh viện, trường học, mạng lưới cấp nước và hệ thống vệ sinh ở những nơi quét qua. Hơn 110.000 người, trong đó có 44.000 trẻ em, ở 7 quốc gia đã phải sơ tán đến các nơi ở tạm. Việc tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh đang vô cùng khó khăn, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Giám đốc khu vực của UNICEF, ông Bernt Aasen, nguy cơ người dân mắc các bệnh liên quan đến nước đang tăng lên, bên cạnh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các khu ở tạm.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) còn đưa ra con số thống kê đáng sợ hơn khi cho biết có tới 2,5 triệu người bị ảnh hưởng của bão Eta, trong đó riêng tại Honduras đã có 1,8 triệu người. Các văn phòng của IOM tại Honduras, Guatemala, El Salvador và Belize đã phân phối hàng nghìn bộ cứu trợ khẩn cấp tới những khu vực bị ảnh hưởng.
IOM cảnh báo những tác động của bão sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi làm suy yếu các điều kiện ổn định kinh tế, gây mất an ninh lương thực và buộc hàng nghìn người dân Trung Mỹ phải sơ tán đến những nơi có điều kiện sinh sống tốt hơn. Giám đốc khu vực của IOM, bà Michele Klein-Solomon, cảnh báo nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng di cư trong tương lai và kêu gọi cần phải ngăn chặn viễn cảnh này.
Theo Trung tâm dự báo bão quốc gia Mỹ, hiện có một cơn bão nhiệt đới mới đang hình thành ở vùng Caribe và có tới 80% khả năng sẽ trở thành một cơn bão mạnh khác đổ bộ vào những vùng mà bão Eta vừa đi qua.