Theo "Báo cáo về tình trạng đại dương", trong 2 thập kỷ qua, tốc độ nóng lên của các đại dương đã tăng gần 2 lần từ mức dài hạn 0,58 watt/m2 lên 1,05 watt/m2. Các giai đoạn nhiệt độ đại dương cao và nóng bất thường cũng có xu hướng kéo dài hơn. Thời gian kéo dài trung bình hằng năm của một đợt hiện tượng bất thường như vậy đã tăng gấp đôi từ 20 ngày lên 40 ngày kể từ năm 2008 đến nay.
Vào năm 2023, hơn 20% đại dương trên thế giới đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng đến cực đoan, tác động tới sinh vật biển và hoạt động ngư nghiệp. Những đợt nắng nóng như vậy có thể khiến một số loài di cư hàng loạt, thậm chí tử vong, gây hại cho các hệ sinh thái mong manh, đồng thời cản trở dòng chảy của vùng nước sâu và nông, cũng như cản trở sự phân phối chất dinh dưỡng.
Nhà hải dương học Karina von Schuckmann tại Copernicus nhấn mạnh rằng hiện tượng nhiệt độ đại dương ấm lên đã liên tục tăng kể từ những năm 1960 và tốc độ tăng mạnh hơn cả được ghi nhận trong các năm kể từ 2005 đến nay. Đây là hệ quả đáng báo động của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với các đại dương, nơi bao phủ 70% bề mặt Trái Đất và đóng vai trò là một trong những "mắt xích" chính điều tiết khí hậu.
Những phát hiện của Copernicus tương tự như số liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) phản ánh tình trạng các đại dương ngày càng ấm lên do biến đổi khí hậu xuất phát từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của con người.
Theo IPCC, kể từ năm 1970, các đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong khí quyển do giải phóng carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác. Các đại dương ấm hơn là yếu tố bổ sung khiến hình thành nhiều cơn bão, thậm chí bão mạnh và gây các hiện tượng cực đoan khác khi tác động đến các hình thái thời tiết toàn cầu.
Đồng quan điểm của IPCC, nhà hải dương học Schuckmann nhận định thêm rằng đại dương ấm lên có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của môi trường biển, từ đa dạng sinh học đến làm biến đổi các quá trình hải dương học cơ bản, dòng hải lưu và cũng như khí hậu toàn cầu.
"Báo cáo về tình trạng đại dương" của Copernicus cũng nêu chi tiết nhiệt độ đại dương phá kỷ lục, các đợt nắng nóng trên biển kéo dài sâu xuống lòng đại dương, tình trạng mất băng biển chưa từng có và mức nhiệt tăng cao trong lòng đại dương. Cụ thể, năm 2023 chứng kiến mức băng biển thấp nhất từng được ghi nhận tại các vùng cực của thế giới. Trước đó, vào tháng 8/2022, nhiệt độ 29,2 độ C đã được ghi nhận tại vùng biển ven bờ của Quần đảo Balearic ngoài khơi Tây Ban Nha, mức nhiệt cao nhất trong vòng 40 năm qua. Cũng trong năm 2022, một đợt nắng nóng ở Địa Trung Hải tác động rộng và sâu khoảng 1.500 mét so với mặt biển.
Copernicus lưu ý thêm rằng độ axit của đại dương cũng đã tăng 30% kể từ năm 1985, một hậu quả khác của biến đổi khí hậu chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch. Trên một ngưỡng nhất định mà các nhà khoa học coi là "giới hạn quan trọng đối với hành tinh", độ axit của nước biển sẽ ăn mòn các khoáng chất mà sinh vật biển hấp thụ bao gồm san hô, trai và hàu để tạo nên bộ xương và vỏ của chúng.
Theo một báo cáo công bố vào tuần trước, Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) dự báo nguy cơ độ axit sẽ vượt ngưỡng nhất định này trong tương lai gần.