Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ổ dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) mới nhất tại Bắc Kinh là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy mối đe dọa mà mầm bệnh gây ra đối với nguồn cung thực phẩm sau khi chợ đầu mối lớn nhất thành phố chuyên cung cấp thịt, cá, rau tươi và hoa quả phải đóng cửa vì xuất hiện nguồn lây nhiễm.
Sự việc tại chợ đầu mối Tân Phát Địa – nơi phục vụ hàng nghìn khách mỗi ngày – là một trong loạt chuỗi cung ứng thực phẩm bị ảnh hưởng do virus SARS-CoV-2 gần đây.
Bắc Kinh đã phải huy động nguồn cung thực phẩm dự trữ khẩn cấp và thành lập một số chợ tạm để đáp ứng nhu cầu người dân. Tính đến sáng 22/6, Bắc Kinh ghi nhận tổng cộng ít nhất 230 người mắc COVID-19, trong đó có nhiều người là nhân viên bán hàng và khách tới chợ.
Tại châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ, các cơ sở chế biến thịt cũng không thoát khỏi trước sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2.
Tuần trước, một nhà máy đóng gói thịt ở Đức đã phải đóng cửa sau khi gần 2/3 trong tổng số trên 1.000 nhân công bị phát hiện mắc COVID-19. Trong khi đó, một nhà máy chế biến gia cầm ở Wales cũng ngừng hoạt động sau khi trên 50 công nhân nhiễm bệnh. Theo hãng tin Reuters, tại Mỹ, hàng chục ca tử vong liên quan tới các ổ dịch nhà máy chế biến thịt trong một vài tháng trở lại đây.
Trong bối cảnh tốc độ lây lan của đại dịch không có dấu hiệu chậm lại, giới chuyên gia nhận định việc bảo vệ nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đòi hỏi một phương án tiếp cận khẩn cấp và trên diện rộng để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của nhân công, các cơ sở chế biến phải được tiệt trùng và chính phủ phải nhanh chóng hỗ trợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới vẫn chưa lâm vào tình cảnh thiếu hụt lương thực thực phẩm, cũng như giá cả các mặt hàng trên thị trường không tăng quá cao.
“Song mặt trái của tình trạng này là chi phí nhân lực đi kèm với nó. Rất nhiều người liên quan đến chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt là công nhân, buộc phải cho thôi việc hoặc bị phơi nhiễm với COVID-19 vì điều kiện lao động không đảm bảo”, Marc Bellemare – Giáo sư kinh tế tại Đại học Minnesota (Mỹ) – giải thích.
Holly Wang, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue (Indiana, Mỹ), cho biết những rủi ro trên thậm chí còn lớn hơn đối với những người làm việc trong ngành dịch vụ thực phẩm “bán lẻ, bán buôn, quy trình ít tự động hơn”. Các nhà máy chế biến thịt ở Mỹ và chợ đầu mối Tân Phát Địa tại Bắc Kinh là những ví dụ điển hình cho thực trạng này.
Tháng trước, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) yêu cầu quyên góp quỹ 350 triệu USD để đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và ngăn chặn nạn đói trong đại dịch, trong đó “nâng cao nhận thức rằng mọi người phải cùng duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm và bảo vệ nó trước sự lây lan của COVID-19”.
Ở Trung Quốc, ổ dịch Tân Phát Địa khiến chính quyền địa phương kêu gọi thắt chặt các biện pháp giữ gìn vệ sinh tại các chợ bán đồ tươi sống.
Ông Yanzhong Huang - thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Viện Hội đồng Quan hệ đối ngoại – chỉ ra rằng mối nguy hiểm không chỉ xuất phát duy nhất từ môi trường. Ông đưa so sánh giữa các công nhân thực phẩm ở Trung Quốc và Mỹ.
“Chúng tôi biết tại Mỹ, nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy đóng gói thịt và lò giết mổ là những người thuộc tầng lớp thấp, và chúng tôi thấy điều tương tự ở Trung Quốc. Nhiều người trong số họ là nông dân và người lao động nhập cư, họ cũng thuộc tầng lớp bị thiệt thòi và khó khăn trong tiếp cận với chăm sóc sức khỏe hoặc nhận thức về giãn cách xã hội”, ông Huang lý giải.
Chuyên gia Bellemare cho hay mặc dù khá tốn kém để đảm bảo sự an toàn cho người lao động, bằng những khoản trợ cấp hay duy trì công việc, nhưng điều đó rất quan trọng trong thời điểm này.
“Đại dịch lần này không phải thường xuyên xảy ra mà nó chỉ là sự kiện một lần trong đời. Nó cần phải được giải quyết ngay bây giờ. Chúng ta sẽ tìm cách bù lại sau, một khi nền kinh tế hồi phục”, ông Bellemare kết luận.