Bảo đảm an ninh mạng - Bài 2: Điều chỉnh hành vi trên không gian ảo như trong xã hội thật

Được thế giới biết đến như là đất nước của luật pháp, Đức đã sớm có những quy định chặt chẽ và cụ thể nhằm điều chỉnh hành vi của người sử dụng cũng như nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo không gian mạng là nơi an toàn và nghiêm minh, giống như xã hội thật.

Chú thích ảnh
Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube... đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật NetzDG tại Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Đức là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Luật An ninh mạng năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015. Mục tiêu của Luật An ninh mạng là giúp bảo vệ các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền cũng như người dân Đức tốt hơn trong thời đại kỹ thuật số.

Luật An ninh mạng của Đức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu theo chứng nhận của Văn phòng Bảo mật thông tin liên bang (BSI). Điều này nhằm bảo đảm an toàn cho những hạ tầng quan trọng của quốc gia như viễn thông, điện, giao thông vận tải, y tế, nước sạch, tài chính và bảo hiểm...

Không dừng lại ở đó, tiến trình xây dựng luật về an ninh mạng của Đức đã tiến thêm một bước mới, phù hợp với sự phát triển trên môi trường Internet, đó là chú ý đến các mạng xã hội. Từ ngày 1/9/2017, một luật mới dành riêng cho lĩnh vực mạng xã hội, có tên viết tắt là NetzDG, đã được thông qua. Ban đầu luật này có hiệu lực từ ngày 1/10/2017, song Đức đã quyết định gia hạn 2 tháng để các công ty có thời gian tự điều chỉnh việc kiểm duyệt và cho đến ngày 1/1/2018, NetzDG đã chính thức đi vào cuộc sống.

NetzDG áp dụng cho bất cứ dịch vụ mạng xã hội nào có hơn hai triệu tài khoản người dùng. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Reddit, Tumblr, Vimeo, Flickr... đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này.

NetzDG đã cụ thể hóa những khái niệm cũng như các quy định một cách rõ ràng về những điều bị cấm khi sử dụng mạng xã hội. Để xây dựng các điều khoản của NetzDG, các nhà lập pháp của Đức đã sử dụng Bộ luật Hình sự của nước này để điều chỉnh hành vi người dùng trên mạng xã hội.

Theo đó, những hành vi như sử dụng phù hiệu hoặc biểu tượng các tổ chức trái với Hiến pháp (ví dụ như các biểu tượng liên quan đến Đức quốc xã hoặc các tổ chức khủng bố, cực đoan); âm mưu sử dụng bạo lực xâm hại an ninh quốc gia; hình thành các tổ chức tội phạm, khủng bố ở trong và ngoài nước; xúi giục bạo lực, kích động hận thù; phát tán các văn hóa phẩm có nội dung bạo lực; nhục mạ tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tư tưởng; xúc phạm, phỉ báng, vu khống; xâm phạm các khu vực sinh sống cá nhân bằng cách chụp ảnh, quay phim; quấy rối tính dục trên mạng... đều bị cấm.

Trên thực tế, những quy định trong NetzDG đã có trong các luật khác vốn đã gắn liền với thực tiễn cuộc sống tại Đức, liên quan đến những lĩnh vực như hình sự, dân sự, an ninh quốc phòng... Nói một cách khác, nước Đức đã nhìn nhận vai trò của không gian mạng giống như một xã hội thu nhỏ, và đòi hỏi phải có những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh hành vi người dùng, đảm bảo an toàn và sự nghiêm minh của pháp luật trong một lĩnh vực khá mới mẻ. 

Cũng chính vì những quy định khắt khe đó, cộng thêm ý thức tuân thủ luật pháp tốt của người dân, nhìn chung không gian mạng ở Đức được đảm bảo tương đối tốt sự nghiêm minh và an toàn. Những hành vi phạm pháp ít khi xảy ra, và đều được pháp luật xử lý một cách nghiêm khắc. Điều này cũng góp phần giúp xã hội thực ở Đức trở nên an toàn hơn, khi các phần tử cực đoan hay khủng bố có rất ít "không gian" để quảng bá, truyền bá tư tương, phát tán tài liệu và lôi kéo người khác tham gia, các vụ phạm pháp trên không gian mạng cũng giảm mạnh. Nếu có, hành vi của những người này sẽ nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn.

Tại Đức, cảnh sát sẽ đảm nhiệm việc truy tìm và bắt giữ tội phạm mạng. Cơ quan Cảnh sát hình sự tiểu bang (LKA) và Cơ quan Cảnh sát hình sự liên bang (BKA) đều có những đơn vị đặc nhiệm và các điều tra viên chuyên ngành trong lĩnh vực an ninh mạng.

Tất nhiên, việc phát hiện những người vi phạm cũng không hề đơn giản, bởi đối tượng vi phạm thường là những người dùng ít nổi bật và không có tiền án, không nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan chức năng, lại tập trung nhiều vào những người vốn sống khép kín, chỉ kết bạn và giao lưu qua mạng, ít gặp gỡ ngoài đời thực.

Về phía các doanh nghiệp, khi bị người dùng khiếu nại hoặc báo cáo về những nội dung "bất hợp pháp một cách rõ ràng", các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải xóa hoặc khóa các nội dung này trong vòng 24 giờ. Với những nội dung báo cáo chưa rõ ràng, các nhà cung cấp dịch vụ có thời gian một tuần để tìm hiểu và tiến hành các bước đi cần thiết. Đây là những nghĩa vụ mà nếu vi phạm, mức phạt sẽ rất nặng, tối đa lên đến 55 triệu euro (khoảng hơn 1.400 tỷ đồng).

Động thái cứng rắn của các nhà lập pháp Đức đã buộc các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thay đổi. Để đảm bảo hoạt động một cách hợp pháp tại Đức, các mạng xã hội đã buộc phải có nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát dịch vụ, như công cụ phát hiện tin tức giả mạo của Facebook hay công cụ kiểm duyệt nội dung video nâng cao của YouTube nhằm ngăn chặn các phát ngôn gây thù hằn và các nội dung tiêu cực...

Với quan điểm không gian ảo cũng như xã hội thật, các hành vi của người dùng cần phải được điều chỉnh bằng những quy định pháp luật tương đương, nước Đức đã thành công trong việc tạo ra một không gian mạng an toàn cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan công quyền, trong một thế giới ảo đầy rẫy những nguy cơ hết sức khó lường.

Phạm Thắng (TTXVN)
Bảo đảm an ninh mạng - Bài 1: EU với tầm nhìn 'trách nhiệm chung'
Bảo đảm an ninh mạng - Bài 1: EU với tầm nhìn 'trách nhiệm chung'

Bảo đảm an ninh mạng đang là vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay khi sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và sức lan tỏa của mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích to lớn, song cũng kéo theo nhiều nguy cơ và hiểm họa khôn lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN