Bang Kerala của Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa

Ngày 29/7, bang Kerala ở miền Nam Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa trong 2 ngày, trong bối cảnh các nhà chức trách liên bang dự kiến cử các chuyên gia đến hỗ trợ khu vực hiện là điểm nóng dịch COVID-19 này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Chennai, Ấn Độ, ngày 1/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bang Kerala với khoảng 154.000 ca mắc COVID-19 đang được điều trị, chiếm 37,1% tổng số ca đang được điều trị tại Ấn Độ. Hiện tốc độ lây lan dịch ở bang này cao nhất cả nước.

Trong thông báo, cơ quan xử lý thảm họa bang Kerala cho biết các biện pháp hạn chế đặc biệt nghiêm ngặt đang được triển khai ở những khu vực có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao. Trong 4 tuần qua, 7 trong số 14 khu vực của Kerala đã báo cáo xu hướng gia tăng số ca mắc mới theo ngày. Trong ngày 29/7, Chính phủ liên bang cho biết sẽ cử 6 chuyên gia đến giám sát các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Kerala và phối hợp với giới chức địa phương về các chiến lược ngăn chặn dịch bùng phát. 

Số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Ấn Độ đã giảm sau đợt bùng phát dịch thứ bai và các nỗ lực tiêm chủng đang đạt được kết quả. Chính quyền trung ương đã cho phép các chính quyền địa phương tự quyết định về việc phong tỏa và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này dẫn tới bùng phát các điểm nóng dịch bệnh mới dù số ca mắc giảm.

Ngày 29/7, Ấn Độ ghi nhận 43.509 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 31,53 triệu ca. 

Oman cùng ngày đã quyết định gia hạn lệnh biện pháp phong tỏa ban đêm nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan, theo đó hạn chế đi lại và các hoạt động thương mại trong khoảng thời gian từ 22h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Biện pháp này tiếp tục được áp dụng cho đến khi có thông báo mới.

Số ca mắc tại Oman - quốc gia có khoảng 4,5 triệu dân - đã bắt đầu tăng trở lại sau đợt sụt giảm kể từ giữa tháng 6. Trong 2 tháng qua, Oman đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo dữ liệu của Bộ Y tế, đến giữa tháng 4, khoảng 5% dân số Oman đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và con số này đã tăng lên 35% vào ngày 8/7. Tính tới ngày 28/7, Oman ghi nhận 295.535 ca mắc COVID-19 và 3.802 ca tử vong.

Trong khi đó, Senegal đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 3, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.  Theo số liệu của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 7 này, Senegal đã ghi nhận 15.000 ca mắc và 139 ca tử vong vì COVID-19. Hiện tổng số ca mắc tại quốc gia Tây Phi này đã lên tới hơn 59.200 ca, với hơn 1.300 ca tử vong. 

Tiến sĩ Khardiata Diallo, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Fann ở Dakar, cho biết sau khi dễ dàng vượt qua 2 đợt dịch đầu tiên, hệ thống y tế của Senegal giờ đây đã bị “kéo căng” một cách nguy hiểm. Các bệnh nhân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp và chưa bao giờ nước này phải chứng kiến số ca tử vong và số ca mắc cao như hiện nay. Tại Dakar, tâm dịch hiện nay ở Senegal, tất cả giường bệnh hỗ trợ oxy cho bệnh nhân suy hô hấp nặng đã kín chỗ.

Tương tự các quốc gia khác ở châu Phi đang đối mặt với làn sóng thứ 3 dịch COVID-19, Senegal dễ bị tổn thương vì có rất ít người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo dữ liệu của chính phủ, mới chỉ có chưa đến 1 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân tại quốc gia với khoảng 16 triệu dân này. Bộ Y tế Senegal cam kết sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và trong tuần này, nước này đã tiếp nhận các lô vaccine mới của Sinopharm, Johnson & Johnson và AstraZeneca.

Phương Oanh (TTXVN)
CDC Mỹ rút lại hướng dẫn về xét nghiệm COVID-19 với người tiêm đủ liều
CDC Mỹ rút lại hướng dẫn về xét nghiệm COVID-19 với người tiêm đủ liều

Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 vẫn cần xét nghiệm sau khi phơi nhiễm ngay cả khi họ không có biểu hiện triệu chứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN