Bang điểm nóng của Ấn Độ ban bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt

Ngày 5/4, chính quyền bang Maharastra, miền Tây Ấn Độ, đã ban bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Bang này hiện có số ca nhiễm gia tăng đáng báo động, chiếm tới hơn 50% số ca mắc mới trên cả nước mỗi ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một khu chợ ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, từ tối 5/4, các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng và các điểm cầu nguyện trên địa bàn bang Maharastra, trong đó có trung tâm tài chính Mumbai, sẽ phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa hoàn toàn sẽ được áp dụng vào mỗi dịp cuối tuần trong khi lệnh giới nghiêm vào ban đêm (từ 20h hôm trước đến 7h sáng hôm sau) sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4. Chỉ các dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong khung giờ này.

Bang Maharastra, bang giàu mạnh nhất tại Ấn Độ, là khu vực kinh tế trọng điểm, đóng góp 16% GDP cả nước và cũng là nơi thu hút hàng triệu lao động từ các bang khác trên toàn Ấn Độ. Khi các ca mắc mới tăng mạnh, Cơ quan Y tế bang Maharastra cảnh báo tình hình ngày càng căng thẳng do hệ thống y tế đối mặt áp lực gia tăng, dẫn tới nguy cơ thiếu giường bệnh, bác sĩ và thiết bị trợ thở. Trước khi ban bố các biện pháp trên, lãnh đạo chính quyền đã họp lấy ý kiến từ các doanh nghiệp. Các hoạt động công nghiệp như sản xuất và xây dựng sẽ vẫn diễn ra bình thường.

Hiện tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ, một trong 3 quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất trên thế giới, đang diễn biến đáng lo ngại. Sáng 4/4, quốc gia này thông báo thêm 93.249 ca mắc mới trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020. Riêng bang Maharastra, nơi tập trung chưa đến 1/10 dân số cả nước, đã ghi nhận 49.447 ca mắc mới, hơn 50% tổng số ca mới ghi nhận trên cả nước. Trong 14 ngày qua, bang này ghi nhận 57% tổng số ca bệnh mới và 47% tổng số ca tử vong mới của cả nước.

* Tại Nam Mỹ, điểm nóng dịch hiện nay là Colombia đã ban bố các biện pháp hạn chế mới tại một số thành phố đang trải qua thời kỳ dịch bệnh nguy hiểm. Trong ngày 4/4, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết các biện pháp hạn chế mới, do Bộ Y tế và Bộ Nội vụ điều phối, sẽ được áp dụng tại các thành phố có số ca mắc mới tăng và tỷ lệ sử dụng giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) hơn 70%.

Với lệnh giới nghiêm, tùy theo tỷ lệ sử dụng ICU mà các khung giờ áp dụng sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, những thành phố có tỷ lệ sử dụng ICU trên 85% sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h đến 5h, nếu tỷ lệ trong khoảng từ 80 - 85% thì thời gian bắt đầu giới nghiêm từ 20h; từ 22h nếu tỷ lệ trong khoảng 70 - 79% và từ 0h nếu tỷ lệ trong khoảng 50 - 69%. Tính đến tối 3/4, thủ đô Bogota, thành phố lớn nhất tại Colombia có tỷ lệ sử dụng ICU 65,5% trong khi các thành phố ven biển có tỷ lệ khoảng 90%. Các hoạt động mua sắm và hoạt động khác sẽ được quản lý dựa theo mã thẻ định danh (ID).

Tổng thống Duque yêu cầu các thị trưởng và các thống đốc địa phương triển khai các biện pháp từ ngày 5/4 đến hết ngày 19/4. Chính phủ cũng khuyến cáo các gia đình và cá nhân trở về sau đợt nghỉ lễ Phục Sinh ở những địa phương có tỷ lệ sử dụng ICU hơn 80% hoặc có tỷ lệ lây nhiễm cao cần tự giác thực hiện cách ly ít nhất 7 ngày. Chính quyền các địa phương không được cấp phép tổ chức những sự kiện cộng đồng tập trung đông người hay cho phép mở cửa các sàn nhảy hoặc các địa điểm giải trí có bán rượu.

Colombia ghi nhận 9.022 ca mắc mới và 162 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 2.446.219 ca và 64.094 ca, đứng thứ 2 khu vực Nam Mỹ, sau Brazil.

* Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Hãng thông tấn Séc (CTK) dẫn lời Thủ tướng CH Séc Andrej Babis ngày 4/4 cho biết chính phủ nước này sẽ không khuyến nghị gia hạn tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng đến hết ngày 11/4 tới để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, lệnh hạn chế đi lại giữa các quận/huyện và lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước tới 5h sáng hôm sau sẽ kết thúc kể từ ngày 12/4. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, CH Séc đã gia hạn tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3 - 11/4 để duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có hạn chế đi lại giữa các quận/huyện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Theo Thủ tướng Andrej Babis, sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được xây dựng theo các quy định của Luật đại dịch. Luật này cho phép Bộ Y tế Séc ban hành các biện pháp hạn chế đối với các cửa hàng, dịch vụ, các sự kiện tập trung đông người ở cấp độ địa phương cũng như quốc gia.

Sau thời gian diễn biến căng thẳng, gần đây, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Séc đã bắt đầu giảm, từ mức trên 14.000 trường hợp vào cuối tháng 2 xuống gần 6.000 trường hợp vào cuối tháng 3. Theo số liệu của Bộ Y tế Séc, ngày 3/4 nước này ghi nhận hơn 2.100 ca mắc mới, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện đã giảm xuống còn trên 6.300 trường hợp, trong đó gần 1.500 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng.

* Trong khi đó, Anh đang theo đuổi lộ trình hướng tới dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa kinh tế, nối lại hoạt động đi lại quốc tế, với sự tự tin vào hiệu quả chiến dịch tiêm phòng được thực hiện nhanh nhất tại châu Âu.

Theo đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến ngày 5/4 sẽ công bố kế hoạch nới lỏng hạn chế trong những tháng tới, qua đó cho phép các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu, các dịch vụ giải trí ngoài trời và cắt tóc tại xứ England mở cửa từ ngày 12/4. Kế hoạch cũng sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về việc cấp chứng nhận tiêm chủng và khôi phục hoạt động đi lại quốc tế.

Kế hoạch mở cửa trở lại sẽ dựa vào những công cụ chính như một hệ thống phân loại các nước theo mô hình đèn giao thông gồm các màu "đỏ, xanh, vàng" dựa trên các tiêu chí về mức độ lây nhiễm và tiêm chủng. Năng lực xét nghiệm cũng được nâng cao, qua đó cho phép mọi người dân ở xứ England xét nghiệm nhanh 2 lần/tuần nhằm sớm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch và phát hiện những ca bệnh không triệu chứng. Các xứ Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng sẽ thực hiện các lộ trình để dần dỡ bỏ biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt áp dụng từ đầu năm.

Thành công trong chiến dịch tiêm chủng sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer đã giúp Anh tự tin theo đuổi lộ trình mở cửa trở lại trong khi các quốc gia khác tại châu Âu như Pháp, Đức hay Bỉ, có tốc độ tiêm chủng chậm hơn, đang chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới. Tới nay, hơn 50% người trưởng thành tại Anh đã được tiêm vaccine, việc mở cửa trở lại các trường học hồi tháng 3, trong giai đoạn đầu của lộ trình, cũng không dẫn tới tình trạng gia tăng số ca nhiễm ngay cả khi công tác xét nghiệm được đẩy mạnh.  

Đại dịch COVID-19 đã khiến gần 127.000 người tử vong tại Anh, một trong 5 quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên thế giới chỉ sau Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ, khiến nền kinh tế nước này năm 2020 chứng kiến mức suy giảm sâu nhất trong hơn 3 thế kỷ và thuộc nhóm các nền kinh tế chịu tác động mạnh nhất. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ gia đình tại Anh đang đứng trước hy vọng được trở lại cuộc sống bình thường trong khi giá trị đồng bảng Anh thời gian qua cũng tăng từng ngày nhờ triển vọng phục hồi sáng rõ.

Lê Ánh - Trần Hiếu (TTXVN)
Mọi người dân Anh sẽ được xét nghiệm COVID-19 hai lần/tuần
Mọi người dân Anh sẽ được xét nghiệm COVID-19 hai lần/tuần

Thủ tướng Boris Johnson sẽ cho phép mọi người dân ở Anh sẽ được tiếp cận chương trình xét nghiệm COVID-19 hai lần/tuần và hoàn toàn miễn phí. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN