Theo tờ Foreign Policy, cuối năm ngoái, cảnh sát liên bang Colombia đã bắt giữ Diego Optra, trùm tội phạm đứng đầu băng đảng tàn độc La Local. Ngoài giám sát các đường dây tống tiền và buôn ma túy, La Local còn đứng sau 90% vụ giết người ở thành phố cảng Buenaventura.
Optra đã trốn cảnh sát suốt nhiều tháng nhưng để lại dấu vết kỹ thuật số trên trang Instagram. Tại đây, những người hâm mộ hắn thường trầm trồ trước những bức ảnh hắn đeo vòng đính kim cương, mặc quần áo hàng hiệu và khoe cả kho vũ khí. Theo cảnh sát, chính vì Optra hoạt động tích cực trên mạng xã hội mà hắn đã bị bắt và kết án.
Optra không phải trùm tội phạm duy nhất khoe đời sống băng đảng trên Facebook, Twitter, YouTube hay Instagram. Hắn cũng không phải là người đầu tiên bị bắt vì mạng xã hội.
Các băng đảng và trùm buôn ma túy khắp châu Mỹ sử dụng mạng xã hội tích cực. Trùm băng đảng và thuộc hạ dùng mạng xã hội chính thống và các ứng dụng nhắn tin phổ biến như Telegram để tăng cường quyền lực, ảnh hưởng, đe dọa đối thủ, tuyển thành viên mới, buôn bán tình dục, bán ma túy và hàng lậu.
Mexico từng là khu vực khởi nguồn cho loại hoạt động này – nơi mà các nhà nghiên cứu thành lập hẳn một bộ môn mới chuyên nghiên cứu các bài đăng liên quan ma túy. Giờ đây, các băng đảng ở Brazil, Colombia, El Salvador và Mỹ cũng tham gia mạng xã hội.
Brazil là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ nội dung mạng xã hội lớn nhất thế giới. Do đó, không ngạc nhiên khi các băng đảng và nhóm mafia Brazil thường xuyên đăng bài trên mạng. Mặc dù các băng đảng lớn thường tránh để lại quá nhiều dấu vết kỹ thuật số nhưng các băng đảng địa phương lại rất tích cực.
Comando Vermelho, một trong những nhóm buôn ma túy và vũ khí lớn nhất Brazil, đã dùng Twitter để thu hút thành viên trẻ từ nhóm đối thủ ở Rio de Janeiro là nhóm Terceiro Comando Puro. Nhóm này thường xuyên gửi tin nhắn kêu gọi thành viên nhóm kia chuyển nhóm, nếu không sẽ chết thê thảm. Các nhóm này cũng lên Facebook để khoe chiến tích với mục đích củng cố lòng trung thành của thành viên, đe dọa đối thủ và cảnh sát.
Mạng xã hội là nơi cạnh tranh bạo lực diễn ra nghiêm trọng. Nhóm Comando Vermelho và Primeiro Comando da Capital thường xuyên nhắn tin qua lại với nội dung cực kỳ tàn bạo. Chúng ghi lại hình ảnh hành quyết thành viên băng đảng đối thủ rồi tung lên mạng xã hội. Mục đích không chỉ là đe dọa đối thủ mà còn thông báo cho cộng đồng địa phương biết ai là chủ. Facebook và Instagram cũng là công cụ thuận tiện cho các băng đảng chọn mục tiêu.
Ảnh và bài đăng của các tay găngxtơ được cảnh sát giám sát chặt chẽ để tìm sơ hở nhằm bắt chúng.
Mặc dù ý thức rằng mình bị giám sát nhưng các thành viên băng đảng ma túy và băng đảng đường phố vẫn tích cực sử dụng mạng xã hội như Snapchat và TikTok. Những công cụ này đặc biệt hiệu quả trong lan truyền văn hóa ma túy quy mô lớn.
Ở Mexico, có hẳn một loại nội dung âm nhạc do các băng đảng tạo ra. Các video trên TikTok có cảnh súng đạn, băng đảng thu hút hàng triệu lượt xem.
Mạng xã hội không chỉ được các tổ chức tội phạm ở Mỹ Latinh sử dụng. Các thành viên mafia Italy cũng sử dụng nhiều công cụ này để bành trướng ảnh hưởng, thu hút thêm thành viên từ nhóm thanh niên bất mãn.
Các cơ quan thực thi pháp luật đã cảnh báo nhiều năm nay rằng mạng đen (darknet) – một khu vực trên internet không bị kiểm soát – là một trong những nguồn doanh thu trực tiếp lớn nhất về buôn bán ma túy, hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp.
Các chiến dịch trấn áp xuyên quốc gia thường xuyên triệt phá những người buôn bán trên mạng đen này.
Instagram là nền tảng hàng đầu để băng đảng ma túy bán ma túy trực tiếp cho người dùng, còn Facebook đứng thứ hai.
Các công ty mạng xã hội đều ý thức được những rủi ro khi tội phạm có tổ chức bành trướng trên trang của mình. Họ cũng rất hiểu rằng khuyến khích bạo lực và tham gia hoạt động tội phạm là vi phạm điều khoản sử dụng. Các điều phối viên nội dung liên tục xóa video và bài đăng khi chúng vừa được phát hiện. Tuy nhiên, các công ty mạng xã hội làm chưa đủ và cần chủ động hơn.
Một số chính phủ bắt đầu vào cuộc. Quốc hội Brazil đang rà soát dự luật trừng phạt bất kỳ ai đăng hoặc chia sẻ nội dung ủng hộ hoạt động tội phạm trên mạng xã hội.
Ở Colombia, giới chức cảnh sát quốc gia đã đầu tư công nghệ giám sát số để theo dõi hành vi và xu hướng tội phạm trên mạng xã hội.