Bài diễn văn 'vĩ đại làm thay đổi thế giới' của Tổng thống Putin

Phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin bị ngắt đến 30 lần bởi những tràng vỗ tay nồng nhiệt của cử tọa, khi ông nói về mối gắn bó bền chặt giữa Nga và Crimea nhân việc bán đảo ở Biển Đen sáp nhập vào Nga.

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Điện Kremlin.


"Thưa các thành viên Hội đồng Liên bang, thưa các vị đại biểu Duma Quốc gia. Các đại biểu của Nước cộng hòa Crimea và Sevastopol hiện đang ở đây với chúng ta, những công dân Nga, nhân dân của Crimea và Sevastopol!

Các bạn thân mến, việc chúng ta tập trung ở đây hôm nay có liên quan tới một vấn đề có ý nghĩa lịch sử và sống còn với tất cả chúng ta. Một cuộc trưng cầu dân ý tuân thủ đầy đủ mọi thủ tục dân chủ và chuẩn mực quốc tế vừa được tổ chức ở Crimea ngày 16/3.

Hơn 82% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Và hơn 96% trong số họ đã ủng hộ việc hợp nhất với nước Nga. Những con số này, tự nó đã nói lên tất cả.

Để hiểu lý do đằng sau sự lựa chọn này nên hiểu về lịch sử Crimea và những điều có ý nghĩa với cả nước Nga và Crimea.

Mọi thứ ở Crimea đều cho thấy niềm kiêu hãnh và lịch sử chung của chúng ta. Đó là nơi có chứng tích Khersones cổ xưa, nơi hoàng tử Vladimir được rửa tội. Tinh thần Chính thống giáo mà Ngài nuôi dưỡng là nền tảng cho văn hóa, văn minh và những giá trị nhân văn kết nối nhân dân Nga, Ukraine và Belarus. Mộ phần của những người lính Nga mà sự anh dũng của họ đã đưa Crimea trở thành một phần của Đế quốc Nga cũng ở Crimea. Đó cũng là nơi có Sevastopol – thành phố huyền thoại với lịch sử chói lọi, một pháo đài, nơi đã khai sinh ra Hạm đội Biển Đen của nước Nga. Crimea là Balaklava và Kerch, Malakhov Kurgan và Sapun Ridge (những địa danh lịch sử ở Crimea – ND). Mỗi địa danh này đều là cái tên vô cùng tha thiết trong lòng chúng ta, là biểu tượng của lòng dũng cảm vô song và vinh quang của quân đội Nga.

Crimea là nơi giao thoa độc đáo giữa truyền thống và văn hóa của những con người khác nhau. Điều này làm nó giống nước Nga, nơi không một tộc người đơn lẻ nào bị quên lãng trong những thế kỷ qua. Người Nga và người Ukraine, người Tatar ở Crimea và người của các dân tộc khác đã cùng sống bên nhau ở Crimea, cùng gìn giữ diện mạo, truyền thống, ngôn ngữ và tín ngưỡng của dân tộc mình.

Thật là ngẫu nhiên khi dân số tại bán đảo Crimea hiện nay là 2,2 triệu người, trong đó, gần 1,5 triệu là người Nga, 350.000 là người Ukraine, song phần lớn vẫn coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Có khoảng 290.000 - 300.000 là người Tatar tại Crimea, những người cũng nghiêng về phía Nga - theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Đúng, đã có lúc người Tatar tại Crimea, cũng như một vài dân tộc khác ở Liên Xô, bị đối xử không công bằng. Chỉ có một điều tôi có thể nói ở đây: trong thời kỳ đó, hàng triệu người thuộc nhiều dân tộc khác nhau cũng đã phải chịu đựng, và họ chủ yếu là người Nga.

Người Tatar ở Crimea đã quay trở về với quê hương của mình. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được tất cả những quyết định cần thiết về mặt pháp lý và chính trị để hoàn thành việc trả lại danh dự cho người Tatar, để họ được hưởng quyền lợi của mình và được trong sạch thanh danh.

Chúng ta hết mực tôn trọng người dân của tất cả các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Crimea. Đây là ngôi nhà chung của họ, quê hương của họ, và sẽ là một việc làm đúng đắn khi 3 ngôn ngữ quốc gia tại Crimea - tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Tatar - được bình đẳng như nhau. Tôi tin người dân địa phương ủng hộ điều này.

Thưa các bạn,

Trong tâm trí và trái tim của nhân dân, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của nước Nga. Niềm tin vững chắc ấy được xây dựng dựa trên sự thật và công lý, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua thời gian, trong mọi trường hợp, bất chấp tất cả những thay đổi mạnh mẽ của đất nước chúng ta suốt thế kỉ 20.

Sau cuộc cách mạng, những đảng viên Xô Viết - vì một vài lý do nào đó - đã đem một phần rộng lớn lãnh thổ ở miền Nam nước Nga trong quá khứ cho nước Cộng hoà Ukraine. Điều này được thực hiện mà không hề cân nhắc tới đặc điểm tôn giáo của cư dân ở đây. Ngày nay, những khu vực đó hình thành nên vùng đông nam Ukraine. Sau đó, vào năm 1954, quyết định chuyển giao vùng lãnh thổ Crimea cho Ukraine đã được đưa ra, rồi cả Sevastopol, bất chấp thực tế rằng thành phố này trực thuộc liên bang. Đây là sáng kiến cá nhân của người lãnh đạo đảng, ông Nikita Khrushchev. Lý do đằng sau quyết định của ông... - xin để dành cho các sử gia làm rõ.

Vấn đề bây giờ là quyết định này đã vi phạm trắng trợn các quy tắc về hiến pháp được đặt ra ngay từ thời đó. Quyết định này đã được lén lút đưa ra. Đương nhiên, không ai thèm hỏi tới người dân Crimea và Sevastopol. Họ phải đối diện với thực tế. Dân chúng hẳn nhiên đã thắc mắc tại sao Crimea lại bất ngờ trở thành một phần của Ukraine. Nhưng xét toàn diện - và chúng ta cũng phải đề cập tới điều này một cách rõ ràng, tất cả chúng ta đều biết - rằng quyết định này chỉ là hình thức, bởi lãnh thổ đã được chuyển giao bên trong biên giới của một nhà nước duy nhất. Khi ấy, thật không thể tưởng tượng rằng Ukraine và Nga lại tách ra và trở thành 2 quốc gia riêng biệt. Thế mà điều đó đã xảy ra.

Thật không may là điều dường như không thể xảy ra lại trở thành hiện thực. Liên Xô sụp đổ. Mọi việc diễn ra nhanh tới mức gần như không có ai kịp nhận ra những sự việc này đột ngột tới mức nào và hậu quả của chúng là gì. Rất nhiều người, cả ở Nga và Ukraine cũng như tại các nước cộng hoà khác, hi vọng rằng Cộng đồng các Quốc gia Độc lập được thành lập vào thời điểm đó sẽ trở thành một hình thức nhà nước liên bang mới. Họ đã được nghe nói về đồng tiền chung, không gian kinh tế thống nhất, lực lượng vũ trang chung. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là hứa suông, trong khi đó, đất nước lớn đã tiêu tan. Chỉ khi Crimea trở thành một phần của quốc gia khác, Nga mới nhận ra rằng mình không đơn giản chỉ là bị lấy trộm - mình đã bị cưỡng đoạt.

Đồng thời, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng bằng cách phô trương về chủ quyền, chính bản thân Nga đã góp phần khiến Liên Xô sụp đổ. Và khi sự sụp đổ đó được hợp pháp hoá, tất cả lại quên mất Crimea và Sevastopol - căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen. Hàng triệu người đã đi ngủ ở một quốc gia và rồi tỉnh dậy tại một quốc gia khác, chỉ qua một đêm đã trở thành dân tộc thiểu số tại một nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Còn nước Nga lại trở thành một trong những dân tộc lớn nhất, nếu không muốn nói là nhóm dân tộc lớn nhất trên thế giới, bị chia cắt bởi các đường biên giới.

Giờ đây, sau nhiều năm, tôi đã nghe thấy người dân Crimea nói rằng thời điểm năm 1991, họ bị trao đi như một bao tải khoai tây. Khó mà có thể không đồng ý với điều này. Thế còn vị thế của Nga? Nước Nga thì sao? Phải miễn cưỡng chấp nhận tình thế. Khi đó, quốc gia này đã trải qua những thời kỳ khó khăn tới mức thực tế là không còn có khả năng bảo vệ lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, nhân dân đã không thoả hiệp với sự bất công kì quặc đó. Trong ngần ấy năm, người dân và nhiều nhân vật của công chúng đã lật lại vấn đề này, họ nói rằng về mặt lịch sử, Crimea là lãnh thổ của Nga, Sevastopol là một thành phố của Nga. Đúng vậy, từ trong trái tim và tâm trí của mình, tất cả chúng ta đều biết điều đó, nhưng chúng ta phải bắt đầu từ thực tế sẵn có và xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với quốc gia Ukraine độc lập trên một nền tảng mới. Trong khi đó, quan hệ của chúng ta với Ukraine, với những người dân Ukraine anh em, vẫn luôn và sẽ mãi đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Hôm nay, chúng ta có thể nói về điều này một cách cởi mở, và tôi muốn chia sẻ với các bạn một số chi tiết về các thỏa thuận đã được ký kết vào đầu những năm 2000. Khi đó, Tổng thống Ukraine là ngài Kuchma đã đề nghị tôi xúc tiến quá trình phân định biên giới Nga - Ukraine. Lúc đó, quá trình này trên thực tế đang rơi vào bế tắc. Nga coi như đã công nhận Crimea là một phần của Ukraine, nhưng chưa có thỏa thuận về phân định biên giới. Dù tình hình rất phức tạp, nhưng tôi đã ngay lập tức chỉ thị cho các cơ quan chính phủ Nga đẩy nhanh việc lập hồ sơ về biên giới, để mọi người đều hiểu rõ rằng bằng việc chấp thuận phân định đường biên, chúng ta thừa nhận về cả pháp lý và thực tế rằng Crimea là lãnh thổ của Ukraine, và do đó có thể khép lại vấn đề.

Chúng ta đã giúp đỡ Ukraine không chỉ trong vấn đề Crimea, mà còn trong cả một vấn đề phức tạp như biên giới lãnh hải ở Biển Azov và eo biển Kerch. Những gì chúng ta làm đều vì coi mối quan hệ tốt đẹp với Ukraine là điều quan trọng nhất đối với chúng ta, và để họ không mắc kẹt trong bế tắc của các tranh chấp lãnh thổ. Chúng ta đã mong đợi rằng Ukraine vẫn là láng giềng tốt. Chúng ta cũng đã hy vọng rằng công dân Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine, đặc biệt là các vùng Đông Nam và Crimea có thể sống trong một đất nước văn minh, dân chủ và hữu nghị, nơi có thể bảo vệ các quyền lợi của họ theo chuẩn mực luật pháp quốc tế.

Thế nhưng, tình hình lại không diễn ra như vậy. Hết lần này đến lần khác, người ta đã rắp tâm tước đoạt những di sản lịch sử và thậm chí cả ngôn ngữ của người Nga, đẩy họ đến với sự đồng hóa ép buộc. Hơn thế, người Nga, cũng như những công dân khác của Ukraine đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng nhà nước và chính trị vốn đã làm rung chuyển quốc gia này từ 20 năm qua.
Tôi hiểu vì sao người Ukraine muốn thay đổi. Họ đã có đủ bộ máy nắm quyền lực trong suốt những năm tháng độc lập của Ukraine. Các Tổng thống, Thủ tướng và đại biểu quốc hội đã thay đổi, nhưng thái độ của họ đối với đất nước và người dân của mình thì vẫn vậy. Họ bòn rút quốc gia, đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lực, tài sản và dòng ngoại tệ mà chẳng mảy may quan tâm tới dân thường. Họ không hề băn khoăn vì sao hàng triệu người dân Ukraine không nhìn thấy triển vọng tại quê nhà và phải ra nước ngoài làm việc qua ngày. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: họ không chuyển tới Thung lũng Silicon, mà lại làm công nhân công nhật. Chỉ tính riêng năm ngoái, đã có gần 3 triệu người tìm những công việc như thế này tại Nga. Theo một vài nguồn tin, năm 2013, tổng thu nhập của họ ở Nga là hơn 20 tỉ USD, bằng 12% GDP của Ukraine.

Tôi muốn nhắc lại rằng, tôi thấu hiểu những người dân đổ ra quảng trường Maidan, mang theo các khẩu hiệu hoà bình, phản đối tham nhũng, quản lý đất nước không hiệu quả và đói nghèo. Quyền được biểu tình hoà bình, các cuộc bầu cử và thủ tục mang tính dân chủ tồn tại vì một mục đích duy nhất là thay thế quan chức không làm hài lòng người dân. Tuy nhiên, những người đứng sau các diễn biến mới nhất ở Ukraine lại có kế hoạch hành động khác: họ đang chuẩn bị cho một sự tiếm quyền khác đối với chính phủ, họ muốn thâu tóm quyền lực và sẽ không dừng lại. Họ viện tới khủng bố, giết người, bạo loạn. Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít mới, những kẻ ghét Nga và bài Do thái đã thực hiện cuộc đảo chính này. Họ tiếp tục làm như vậy tại Ukraine cho đến ngày nay.

Cái gọi là chính quyền mới đã bắt đầu bằng việc đưa ra một dự luật sửa đổi chính sách về ngôn ngữ, một hành vi vi phạm trực tiếp tới quyền lợi của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, họ ngay lập tức phải chịu sự trừng phạt từ các nhà tài trợ nước ngoài của chính mình - những người được gọi là chính trị gia. Phải thừa nhận rằng các cố vấn của chính phủ đương thời thông minh và biết rõ những nỗ lực nhằm xây dựng một quốc gia Ukraine thực thụ sẽ dẫn tới đâu. Dự luật đã bị gạt sang một bên, song rõ ràng là sẽ được thực thi trong tương lai. Không có bất cứ điều gì về vấn đề này được nhắc tới, hoặc có thể là chúng ta có trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng tâm địa của những kẻ kế thừa tư tưởng của Bandera, một đồng loã của Hitler trong Thế chiến II.

Rõ ràng là tại Ukraine hiện nay, không có người nắm quyền hành hợp pháp, không có ai để bàn chuyện. Nhiều cơ quan chính phủ đã bị những kẻ lừa đảo tiếm quyền, song chúng lại không được kiểm soát đất nước, và bản thân chúng - tôi muốn nhấn mạnh điều này - thường xuyên bị những kẻ cực đoan điều khiển. Trong một vài trường hợp, bạn cần có giấy phép đặc biệt từ chiến binh Maidan để gặp gỡ các Bộ trưởng nhất định trong chính phủ hiện tại. Không phải chuyện đùa - đó là thực tế.

Những người phản đối cuộc đảo chính ngay lập tức bị đe doạ đàn áp. Tất nhiên, người đầu tiên chịu trận ở đây là Crimea, một Crimea nói tiếng Nga. Vì vậy, người dân Crimea và Sevastopol đã tìm tới Nga để mong được giúp đỡ trong việc bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của mình, ngăn chặn các sự việc đã và vẫn đang tiếp diễn ở Kiev, Donetsk, Kharkov cùng các thành phố khác của Ukraine.

Hiển nhiên là chúng ta không thể để cho những lời kêu gọi này bị phớt lờ; chúng ta không thể bỏ mặc Crimea và người dân ở đó trong cơn hoạn nạn. Đối với chúng ta, đó là sự phản bội.

Trước hết, chúng ta đã phải tạo điều kiện để lần đầu tiên trong lịch sử, người dân ở Crimea có thể bày tỏ tự do ý chí của mình một cách hòa bình. Thế nhưng, chúng ta đã được nghe gì từ những người bạn Tây Âu và Bắc Mỹ? Họ nói chúng ta đang vi phạm các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Thứ nhất, thật tốt là ít nhất họ cũng nhớ rằng vẫn tồn tại một thứ gọi là luật pháp quốc tế - muộn dù sao còn hơn không.

Thứ hai, và quan trọng nhất là – chính xác thì chúng ta đang vi phạm điều gì? Đúng, Tổng thống Liên bang Nga đã nhận được sự cho phép của Thượng viện để sử dụng lực lượng vũ trang ở Ukraine. Nhưng nghiêm túc mà nói, chưa có ai hành động trên sự cho phép đó. Quân đội Nga chưa từng tiến vào Crimea. Họ đã hiện diện ở đây từ trước, theo đúng khuôn khổ của một hiệp định quốc tế. Đúng, chúng ta đã tăng cường lực lượng tại đây. Nhưng, đây là điều mà tôi muốn tất cả mọi người nghe và hiểu: Chúng ta đã không vượt quá giới hạn quân số của lực lượng vũ trang tại Crimea, vốn được quy định là 25.000 người. Vì không cần phải làm như vậy.

Tiếp theo. Khi tuyên bố độc lập và quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, Hội đồng Tối cao Crimea đã dựa vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó khẳng định các quốc gia đều có quyền tự quyết. Tiện đây, tôi muốn nhắc các bạn nhớ rằng, khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, Ukraine cũng làm đúng như vậy, chính xác đến từng từ. Ukraine đã sử dụng quyền này, nhưng người dân ở Crimea thì lại bị khước từ. Tại sao vậy?

Thêm nữa, chính quyền Crimea đã dựa vào một tiền lệ rất nổi tiếng là Kosovo - tiền lệ do những người bạn phương Tây của chúng ta chính tay tạo ra trong một tình huống hoàn toàn tương tự, khi họ công nhận rằng việc đơn phương chia cắt Kosovo khỏi Serbia, chính xác như những gì Crimea đang làm hiện nay, là hợp pháp và không cần bất kỳ sự cho phép nào từ chính quyền trung ương. Theo đúng Điều 2, Chương 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc đã đồng ý với cách tiếp cận này và đã đề những ghi chú (mà tôi trích dẫn lại sau đây) trong phán quyết ngày 22/7/2010: “Không có điều khoản cấm chung nào từ thông lệ của Hội đồng Bảo an liên quan đến việc tuyên bố độc lập” và “Luật pháp quốc tế không bao hàm quy định cấm tuyên bố độc lập”. Hoàn toàn dễ hiểu, như họ nói.

Tôi không muốn dựa vào các trích dẫn, nhưng trong trường hợp này, tôi không thể làm khác. Đây là một trích dẫn từ một tài liệu chính thức khác: Bản tường trình của Mỹ ngày 17/4/2009 gửi đến cùng Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc liên quan đến các buổi điều trần về Kosovo. Một lần nữa, tôi xin lại được trích dẫn: “Việc tuyên bố độc lập có thể, và thường là vi phạm luật pháp trong nước. Tuy nhiên, điều đó không khiến nó vi phạm luật pháp quốc tế”.

Họ đã viết như vậy, đem phổ biến khắp thế giới, được mọi người đồng ý, và giờ họ lại tỏ ra bất bình. Mà về cái gì chứ? Hành động của người dân Crimea hoàn toàn phù hợp với các chỉ dẫn trên, như nó vốn vậy. Hãy thử nghĩ rằng người Albani ở Kosovo (chúng ta hoàn toàn tôn trọng họ) được phép làm như vậy. Còn người Nga, người Ukraine và người Tatar ở Crimea thì không. Một lần nữa, ai cũng sẽ thắc mắc tại sao.

Chúng ta vẫn nghe Mỹ và Tây Âu nói rằng Kosovo là một trường hợp đặc biệt. Điều gì đã khiến nó trở nên đặc biệt trong mắt những người bạn này của chúng ta? Hóa ra đó là vì cuộc xung đột ở Kosovo đã khiến rất nhiều người thương vong. Điều này có phải một lập luận có cơ sở pháp lý? Phán quyết của Tòa án quốc tế không hề nói như vậy. Nó thậm chí còn không phải là một thứ tiêu chuẩn kép; nó là kiểu lý sự cùn, ấu trĩ kinh ngạc. Con người ta không nên đổi trắng thay đen, cố gắng một cách thô thiển như vậy để khiến mọi thứ thuận theo lợi ích của mình. Nếu cứ theo logic này, chúng ta sẽ phải chắc chắn mọi cuộc xung đột đều dẫn đến tổn thất về sinh mạng.

Tôi sẽ nói rõ ràng rằng - nếu lực lượng tự vệ địa phương ở Crimea không thể kiểm soát được tình hình thì sẽ có thương vong. May mắn là điều này không xảy ra. Không có bất cứ cuộc đụng độ vũ trang nào và không có thương vong. Bạn nghĩ vì sao lại như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: bởi nó rất khó, thực tế là không thể chống lại ý chí của người dân. Tại đây, tôi muốn cám ơn quân đội Ukraine - 22.000 người lính vũ trang đến tận răng. Tôi muốn cám ơn binh sĩ, những người đã kiềm chế một cuộc đổ máu và không nhuộm đỏ quân phục của mình bằng máu.

Cũng liên quan tới việc này, một vài ý khác đã nảy ra trong tâm trí. Họ liên tục nói về cái được gọi là sự can thiệp của Nga ở Crimea, một cuộc xâm lược. Điều này thực lạ tai. Tôi không thể nhớ ra bất cứ một cuộc can thiệp quân sự nào trong lịch sử mà lại không có súng nổ và thương vong.

Thưa các bạn,

Như một tấm gương, tình hình ở Ukraine phản ánh những gì đang và đã diễn ra trên thế giới trong một vài thập kỷ qua. Sau khi trạng thái lưỡng cực tan rã, chúng ta không còn sự ổn định nữa. Các thể chế quốc tế chủ chốt không những không mạnh hơn, mà ngược lại, trong nhiều trường hợp còn suy thoái một cách đáng buồn. Các đối tác phương Tây của chúng ta, dẫn đầu là Mỹ thích dùng “quy tắc của súng đạn” hơn là luật pháp quốc tế. Họ đi đến chỗ tin rằng họ đặc biệt và có đặc quyền, rằng họ có thể quyết định vận mệnh thế giới, rằng chỉ họ mới luôn luôn đúng. Họ làm bất cứ thứ gì họ thích: chỗ này, chỗ kia. Họ sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia có chủ quyền, xây dựng các liên minh dựa trên nguyên tắc “Nếu anh không theo tôi nghĩa là anh chống lại tôi”. Để cho sự xâm lược này có vẻ hợp pháp, họ ép buộc các tổ chức quốc tế phải đưa ra các nghị quyết. Và nếu vì một vài lý do nào đó mà cách này không hiệu quả, thì họ phớt lờ luôn cả Liên Hợp Quốc lẫn Hội đồng Bảo an.

Điều này đã xảy ra ở Nam Tư, năm 1999, hẳn chúng ta đều còn nhớ rõ. Dù chính mắt tôi chứng kiến, thật khó mà tin rằng, vào cuối thế kỷ 20 mà một thủ đô ở châu Âu, Belgrade, lại chìm dưới các cuộc tấn công bằng tên lửa trong vài tuần, và sau đó là đến cuộc can thiệp vũ trang thật sự. Có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an về vấn đề này lại cho phép những hành động như vậy? Không hề. Và rồi họ đánh Afghanistan, Iraq, vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Lybia, khi thay vì chỉ áp đặt cái gọi là vùng cấm bay thì họ đồng thời dội bom luôn xuống đó.

Đã có một chuỗi các cuộc “cách mạng màu” được giật dây. Chắc chắn là người dân ở các nước nơi diễn ra các sự kiện này đã chán ngán chế độ độc tài và nghèo khổ, không có tương lai. Nhưng những tình cảm này đã bị lợi dụng một cách bất nhẫn. Các tiêu chuẩn được áp đặt lên các nước này mà không hề phù hợp với lối sống, truyền thống và văn hóa của người dân. Và hậu quả là thay vì dân chủ, tự do là hỗn loạn, bạo lực bùng phát và hàng chuỗi biến động. Mùa xuân Ả Rập đã biến thành Mùa đông Ả Rập.

Một tình huống tương tự đã diễn ra ở Ukraine. Năm 2004, để đưa một ứng cử viên mà họ muốn vào cuộc bầu cử Tổng thống, họ đã nghĩ ra một thứ gọi là cuộc bầu cử vòng ba, vốn không được quy định trong luật. Nó thật lố bịch và là sự nhạo báng đối với Hiến pháp. Và hôm nay, họ lại tung ra một lực lượng dân quân được tổ chức và trang bị hùng hậu.

Chúng ta hiểu điều gì đang diễn ra. Chúng ta hiểu rằng những hành động này là nhằm chống lại Ukraine và nước Nga, chống lại sự hội nhập Liên minh Á-Âu. Và tất cả diễn ra khi Nga đang nỗ lực đối thoại với các nước phương Tây. Chúng ta vẫn kiên trì đề xuất hợp tác trên mọi vấn đề chủ chốt. Chúng ta muốn củng cố lòng tin và hướng tới quan hệ bình đẳng, cởi mở và công bằng. Nhưng chúng ta đã không thấy những bước đi tương tự từ phía bên kia".

Xem phần tiếp theo tại đây.

Theo Soha.vn
Tổng thống Putin: Tạm hoãn trả đũa Mỹ
Tổng thống Putin: Tạm hoãn trả đũa Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva trước mắt sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt trả đũa Mỹ, sau khi Washington tuyên bố trừng phạt các trợ lý thân cận của nhà lãnh đạo Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN