Trước đó, 8 nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập cũng đã tuyên bố rời khỏi đảng này nhằm phản đối Chủ tịch đảng Jeremy Corbyn, cho rằng ông Corbyn đã ủng hộ và tiếp tay cho "Brexit cứng", cũng như tư tưởng bài Do Thái trong đảng.
Trong một bức thư gửi Thủ tướng Theresa May, 3 nghị sĩ Bảo thủ trên - gồm Anna Soubry, Heidi Allen và Sarah Wollaston - bày tỏ không thể tiếp tục tham gia đảng cầm quyền mà các chính sách và ưu tiên bị chi phối quá mức bởi Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG - một nhóm nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit) và đảng DUP ở Bắc Ireland.
Bức thư nêu rõ: "Thật là một thất bại thảm hại khi đi theo quan điểm cứng rắn của ERG, vốn đang hoạt động như một 'đảng trong đảng' với một lãnh đạo riêng, các nghị sĩ riêng và chính sách của riêng mình". Các nghị sĩ trên cho biết sẽ tham gia "Nhóm Độc lập" của 8 cựu nghị sĩ Công đảng và sẽ chuyển sang ngồi cạnh họ tại Quốc hội.
Ba nghị sĩ trên nằm trong số những người đã bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại trong Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016 và kể từ đó luôn phản đối các dự luật về Brexit được chính phủ đệ trình.
Đáp lại thư trên, Thủ tướng May bày tỏ rất lấy làm tiếc về quyết định này. Bà cho rằng rằng việc Anh là thành viên EU đã là "nguồn cơn gây bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như trong lòng nước Anh một thời gian dài", song khẳng định điều đó sẽ không ngăn cản bà thực hiện nguyện vọng của đa số người dân trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Đảng bảo thủ hiện không có đa số trong Hạ viện và chỉ có thể cầm quyền nhờ một thỏa thuận với 10 nghị sĩ thuộc DUP.
Sự rút lui của 3 nghị sĩ trên sẽ càng làm suy yếu thêm vị thế của Thủ tướng May ở Hạ viện, nhất là trong thời điểm nhà lãnh đạo Anh cần có sự ủng hộ ở Quốc hội để thông qua một thỏa thuận về Brexit.
Theo báo “The Sun” và kênh truyền hình ITV, việc các nghị sỹ đảng Bảo thủ gia nhập "Nhóm Độc lập" là diễn biến tiêu cực trên chính trường Anh.