Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong báo cáo chính thức gửi tới Ủy ban châu Âu (EC) hồi tuần trước, Berlin nêu rõ hiến pháp Đức hạn chế việc dẫn độ các công dân nước này và trường hợp ngoại lệ duy nhất có thể xảy ra là khi các nước thành viên EU khác nộp đơn yêu cầu dẫn độ thông qua lệnh bắt giữ châu Âu hoặc tòa án quốc tế. Theo đó, sau Brexit, Đức sẽ từ chối bất cứ yêu cầu nào từ phía Anh về việc bắt giữ các công dân Đức, thậm chí ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Đức hồi tháng 1 vừa qua cho biết các công dân Anh đang ở Đức sẽ không bị buộc rời khỏi Đức ngay lập tức trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận. Theo Bộ trên, những công dân Anh này sẽ mất tư cách công dân EU và do đó họ cần một giấy phép cư trú để có thể ở lại Đức lâu dài. Thời gian để những người này nhận được giấy phép cư trú là khoảng 3 tháng.
Kể từ năm 2010 đến nay, nhà chức trách Anh đã nộp gần 1.800 yêu cầu dẫn độ thông qua lệnh bắt giữ ở châu Âu, trong đó có 15 yêu cầu dẫn độ các công dân Đức bị truy nã liên quan đến các hoạt động tội phạm như lạm dụng tình dục trẻ em, rửa tiền, lừa đảo và buôn bán ma túy.
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, song cho đến nay Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện đối với "thỏa thuận ly hôn" này.