Theo quy định của Luật mới, Hạ viện Ba Lan có quyền quyết định đối với việc lựa chọn 7 trong số 9 thành viên của Ủy ban Bầu cử quốc gia (PKW). Trước đó, thành viên của PKW do Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và Tòa Hành chính tối cao của Ba Lan cử đại diện tham gia.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dự kiến, việc thay đổi nhân sự của PKW sẽ diễn ra vào năm 2019, khi các thành viên Ủy ban bầu cử quốc gia hiện tại kết thúc nhiệm kỳ. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng có quyền đề xuất ứng cử viên tham gia Ủy ban Bầu cử quốc gia cũng như nhân sự cho vị trí người đứng đầu văn phòng giám sát bầu cử.
Việc sửa đổi Luật Bầu cử của đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các lực lượng đối lập ở Ba Lan. Mặc dù đại diện của PiS khẳng định, việc sửa đổi Luật nhằm đảm bảo việc tổ chức các cuộc bầu cử một cách công bằng và minh bạch hơn nhưng các đảng phái đối lập cáo buộc mục đích thực chất của PiS là tạo lợi thế cho đảng này trong các cuộc bầu cử sắp tới ở Ba Lan.
Ông Mariusz Witczak, Phó Chủ tịch đảng Diễn đàn Công dân (PO) tuyên bố, với việc ký ban hành Luật Bầu cử sửa đổi, Tổng thống Duda sẽ đi vào lịch sử Ba Lan trong vai trò nhân vật chấm dứt các cuộc bầu cử tự do ở nước này.
Giới phân tích chính trị Ba Lan và khu vực nhận định, việc sửa đổi Luật Bầu cử ở Ba Lan sẽ gia tăng quan hệ căng thẳng giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU). Trước đây, chương trình cải cách tư pháp, trong đó có việc sửa đổi Luật Bầu cử do Chính phủ của đảng PiS cầm quyền ở Ba Lan khởi xướng, đã bị lãnh đạo của Ủy ban châu Âu và nhiều nước thành viên EU phản đối, thậm chí đe dọa sẽ phong tỏa quyền bỏ phiếu của Vacsava trong EU.