Ba Lan điều quân đến biên giới, cáo buộc Belarus xâm phạm không phận

Ba Lan đã điều quân tới biên giới phía đông sau khi cáo buộc Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga, xâm phạm không phận nước này bằng trực thăng quân sự.

Chú thích ảnh
Trực thăng quân sự. Ảnh minh họa: Sputnik

Theo trang The Guardian (Anh), Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo giới chức đang điều lực lượng và nguồn lực bổ sung - bao gồm trực thăng chiến đấu tới khu vực biên giới phía đông, với lý do Nga và Belarus tăng cường “các hành động hỗn hợp” nhằm vào Ba Lan. Cơ quan này cũng thông báo vụ xâm phạm biên giới cho NATO và triệu đại biện lâm thời của Belarus để yêu cầu giải thích.

Quân đội Belarus phủ nhận xâm phạm không phận Ba Lan và cáo buộc Warsaw, một trong những thành viên NATO ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, đã bịa chuyện để biện minh cho nỗ lực tập hợp quân đội.

Đài RT (Nga) dẫn tuyên bố Bộ Quốc phòng Belarus cho hay Warsaw không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố rằng 2 máy bay trực thăng của Minsk đã đi vào không phận Ba Lan. Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh không có vụ xâm phạm nào như vậy xảy ra.

“Các trực thăng Mi-24 và Mi-8 không xâm phạm không phận Ba Lan,” Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố, nhấn mạnh rằng tuyên bố của Warsaw không có dữ liệu chứng minh đi kèm.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Ba Lan cũng đã triệu tập đại biện lâm thời của Belarus để bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” và yêu cầu đại sứ “giải thích ngay lập tức và chi tiết” về vụ việc.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết Warsaw “hy vọng Belarus sẽ kiềm chế những hành động này” bởi đây là yếu tố làm leo thang căng thẳng ở biên giới Ba Lan - Belarus.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã bắt đầu  chuyển quân đến biên giới với Belarus. Ảnh: EPA

Trước đó, sáng ngày 1/8, quân đội Ba Lan đã đưa ra tuyên bố rằng các hệ thống radar của họ không ghi nhận bất kỳ hành vi xâm phạm không phận nào. Tuy nhiên, sau đó, giới chức nói rằng những chiếc trực thăng của Belarus đã bay “ở độ cao rất thấp, khiến các hệ thống radar không thể phát hiện”.

Trong những tuần gần đây, Ba Lan và các nước láng giềng ở sườn đông NATO đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa tiềm ẩn từ Belarus, đồng minh thân cận của Nga và hiện là nơi trú ngụ của lực lượng quân sự tư nhân Wagner, sau cuộc nổi loạn bất thành hồi tháng 6.

Hôm 29/7, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng ít nhất 100 binh sĩ Wagner đã đến thị trấn biên giới Grodno của Belarus, gần biên giới Ba Lan, mô tả tình hình là “ngày càng nguy hiểm”. Ông cho rằng đây chắc chắn là động thái chuẩn bị cho cuộc tấn công hỗn hợp sắp tới vào lãnh thổ Ba Lan. Ba Lan đã thông báo triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới biên giới và tăng gần gấp đôi quân số, từ 172.000 lên 300.000 binh sĩ.

Trong khi đó, Tổng thống Alexander Lukashenko ngày 1/8 nói rằng Ba Lan nên cảm ơn Belarus vì đã giúp kiểm soát Wagner, nếu không lực lượng này có thể đã tiến quân đến Warsaw.

Song Washington dường như không đồng ý với đánh giá của Warsaw về tình hình. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Mỹ “không biết về bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào từ Wagner đối với Ba Lan hay bất kỳ đồng minh NATO nào khác, nhưng đang theo dõi chặt chẽ tình hình”.

Trong khi đó, vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ba Lan có tham vọng lãnh thổ đối với Belarus. Ông nói rằng Nga sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước láng giềng là một cuộc tấn công vào lãnh thổ nước mình.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT, Guardian)
Tổng thống Belarus muốn ký hợp đồng với lính Wagner
Tổng thống Belarus muốn ký hợp đồng với lính Wagner

Mặc dù có kế hoạch thành lập một đội quân hợp đồng với các thành viên tập đoàn Wagner, Tổng thống Alexander Lukashenko nhấn mạnh Belarus sẽ không gây chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN