Baku đang tiến hành đàm phán với Moskva nhằm duy trì việc vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua Ukraine, theo lời của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 22/7.
Tổng thống Aliyev cho biết Ukraine và EU đã yêu cầu ông giúp đạt được thỏa thuận với Nga trước khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào cuối năm 2024. Các chuyên gia nói với tờ Vedomosti (Nga) rằng việc Baku làm trung gian có thể nâng cao hình ảnh quốc tế của Azerbaijan và mang lại nguồn thu bổ sung.
Tổng thống Azerbaijan cũng nhấn mạnh rằng nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine bị cắt đứt, các quốc gia như Áo và Slovakia sẽ gặp "rắc rối nghiêm trọng," vì họ sẽ phải chi "hàng trăm triệu USD hoặc hơn" để thay thế nguồn khí đốt này bằng các nguồn khác.
Niyazi Niyazov, chuyên gia về các vấn đề an ninh quân sự tại các quốc gia Nam Kavkaz, nhận định rằng việc Baku làm trung gian sẽ nâng cao uy tín quốc tế của Azerbaijan và có thể mang lại thêm thu nhập cho đất nước trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ đang giảm. Ông Niyazov cũng nhấn mạnh rằng Nga và Azerbaijan không phải là đối thủ cạnh tranh trên thị trường khí đốt châu Âu.
Về phần mình, Phó Tổng giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, Alexey Grivach, cho rằng về mặt lý thuyết, các bên liên quan có thể loại bỏ tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine khỏi hệ thống vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu và thay thế bằng một công ty châu Âu hoặc công ty Socar của Azerbaijan.
Tuy nhiên, ông Grivach lưu ý Socar không thể thay thế toàn bộ khối lượng khí đốt của Nga trên thị trường châu Âu, ngay cả khi Baku chuyển hướng toàn bộ lượng khí đốt xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 10 tỷ mét khối) cho người tiêu dùng châu Âu.
Ông Grivach nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể hỗ trợ bằng cách vận chuyển khí đốt của Iran, nhưng điều này cũng có nghĩa là khối lượng nhiên liệu của Nga cung cấp cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng lên.