Phát biểu với báo giới ngày 29/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh hiện còn “khá sớm” để áp đặt lại quy định cách ly bắt buộc tại khách sạn trong hai tuần đối với người nước ngoài, đồng thời khuyến cáo người dân bình tĩnh vì các dữ liệu hiện nay vẫn chưa xác định đầy đủ mức độ nghiêm trọng, khả năng lây nhiễm và kháng vaccine của biến thể Omicron. Ông cho biết Chính phủ Australia sẽ tiến hành từng bước, tiếp cận thông tin một cách chính xác và kịp thời để đưa ra các quyết định phù hợp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Omicron vào danh sách các "biến thể đáng quan ngại". Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn chưa xác định liệu biến thể trên có khiến các bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không.
Theo kế hoạch, chiều 29/11, Ủy ban An ninh quốc gia Australia sẽ họp để đánh giá kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới từ ngày 1/12 như dự kiến. Cuộc họp giữa lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ cũng sẽ được tổ chức vào ngày 30/11.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết ông đã yêu cầu Nhóm Chuyên gia tư vấn tiêm chủng của Australia xem xem xét lộ trình tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Hiện khoảng 87% dân số Australia trên 16 tuổi đã được tiêm đủ liều vaccine, cao hơn so với Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu khác.
Trong khi đó, các quan chức y tế bang New South Wales cho biết 3 người nhập cảnh từ miền Nam châu Phi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đang chờ kết quả giải trình tự gene để xác định khả năng nhiễm biến thể Omicron.
Biến thể mới xuất hiện trong bối cảnh hai thành phố lớn nhất của Australia là Sydney và Melbourne bắt đầu cho phép các công dân Australia đã tiêm chủng đầy đủ từ nước ngoài trở về được nhập cảnh mà không cần phải cách ly kể từ ngày 1/11, sau hơn 18 tháng đóng cửa biên giới. Với phát hiện về biến thể Omicron, chính quyền hai thành phố đã siết chặt các quy định đi lại đối với du khách quốc tế, yêu cầu cách ly trong vòng 72 giờ. Các bang còn lại không tiếp nhận du khách quốc tế do tỷ lệ tiêm chủng khác nhau.
Trong khi đó, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron, cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nước này sẽ chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch COVID-19 từ cuối tuần này, thông qua việc áp dụng hệ thống phân loại cấp độ dịch.
Theo kế hoạch, từ ngày 3/12, New Zealand sẽ áp dụng hệ thống phân loại cấp độ dịch theo màu "đèn giao thông" - đỏ, vàng cam và xanh lá cây - tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm dịch bệnh và tỷ lệ bao phủ vaccine. Thành phố Auckland - "tâm dịch" của làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, được xác định là vùng đỏ, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và hạn chế số người tụ tập tại các địa điểm công cộng.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ardern cho rằng biến thể Omicron cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ở bên ngoài biên giới. Theo bà, dù thời điểm này New Zealand chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể này, song diễn biến dịch trên thế giới cho thấy các nước cần phải hết sức thận trọng khi quyết định mở cửa trở lại biên giới quốc gia, đặc biệt khi hiểu biết của giới khoa học về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 còn hạn chế.
New Zealand là một trong những quốc gia trên thế giới kiểm soát biên giới chặt chẽ nhất. Nước này dự kiến tiếp tục đóng cửa biên giới với hầu hết các nước khác thêm 5 tháng nữa. Bên cạnh đó, cuối tuần qua, New Zealand cũng ban hành các quy định mới đối với du khách đến từ 9 quốc gia khu vực miền Nam châu Phi, theo đó, chỉ công dân New Zealand từ 9 nước trên mới được phép nhập cảnh và phải cách ly theo quy định của chính phủ trong 14 ngày.
Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế quốc gia của New Zealand Ashley Bloomfield cho biết nhà chức trách nước này đang xem xét liệu có cần thêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở biên giới để phòng ngừa sự lây lan của biến thể Omicron hay không.
Tính đến nay, New Zealand ghi nhận 11.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong.