Molly, 24 tuổi, sống tại Melbourne cho biết cô đã sử dụng chứng nhận tiêm phòng giả mạo mua qua mạng xã hội để đến ăn tối tại các nhà hàng trên khắp thành phố. Molly tiết lộ "có một đường link trên mạng xã hội, chỉ cần điền thông tin chi tiết là sẽ có một hộ chiếu vaccine".
Đường link trên sau đó đã bị gỡ bỏ, nhưng nhà chức trách Australia đang phải nỗ lực gỡ bỏ nhiều trang mạng khác và những ứng dụng có mục đích tương tự. Trên cả nước, số lượng các tìm kiếm chứng nhận giả trên công cụ tìm kiếm Google đã gia tăng khi các quy định đối với người chưa tiêm vaccine được thông báo đầu tháng 10 vừa qua và tăng mạnh hơn nữa khi quy định này chính thức có hiệu lực. Khó ước tính số lượng chứng nhận giả, tuy nhiên, riêng một kênh Telegram rao bán chứng nhận làm giả ở Australia có tới 64.000 thành viên.
Ông Vince Hurley, một thanh tra tình nguyện, hiện giảng dạy môn tội phạm học tại trường Đại học Macquarie cho biết có thể dễ dàng sở hữu chứng nhận giả mạo từ một trang web đen với giá từ 100 AUD - 1.000 AUD (740 USD).
Các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ người sử dụng chứng nhận tiêm phòng giả mạo lây nhiễm bệnh và bùng phát ổ dịch mới, gây phức tạp cho công tác truy vết tiếp xúc. Bất chấp khả năng phải ngồi tù có thể tới 10 năm và phạt hành chính tới 7.400 USD, một số người Australia vẫn mua chứng nhận tiêm phòng giả mạo, thậm chí tự làm chứng nhận giả mạo.
Để giải quyết vấn đề trên, nhà chức trách Australia đã cải tiến chứng nhận tiêm vaccine với ảnh 3 chiều kỹ thuật số, mã QR và các biện pháp chống làm giả khác.