Cảnh sát Australia lo ngại về việc các mạng lưới tội phạm đang nhắm mục tiêu vào các sinh viên đại học, với nhiều chiêu quảng cáo việc làm sinh lợi, kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng khi nhận làm bên trung gian chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cá nhân. Sinh viên quốc tế dễ bị tổn thương hơn do rào cản ngôn ngữ và hạn chế kiến thức về luật hình sự của Australia.
Trung tâm điều phối tội phạm mạng chung do Lực lượng Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) dẫn đầu - viết tắt là JPC3, đã triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức kéo dài một tháng tại 39 trường đại học của Australia thông qua các hình thức cung cấp thông tin kỹ thuật số, tài liệu cảnh báo trong khuôn viên các trường và quảng cáo trên mạng xã hội. Những tài liệu bằng 7 ngôn ngữ bao gồm tiếng Trung phổ thông, tiếng Hindi, tiếng Punjabi, tiếng Nepal, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt và tiếng Thái hướng tới giải thích cho các sinh viên hiểu về “con la tiền”, cách phát hiện loại tội phạm dạng này và cách thức xử trí trong trường hợp trở thành nạn nhân.
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, các đối tượng tội phạm đã thu hút sinh viên thông qua các quảng cáo việc làm không yêu cầu kinh nghiệm và đưa ra các khoản thanh toán hàng tuần cũng như sắp xếp công việc linh hoạt. Yêu cầu duy nhất cho công việc này là quyền truy cập vào điện thoại di động hoặc máy tính và tài khoản ngân hàng Australia để nhận và chuyển tiền theo chỉ đạo của nhóm tội phạm. Ngoài đăng quảng cáo việc làm trên các nền tảng như rao vặt trực tuyến và mạng xã hội, các đối tượng tội phạm còn chủ động liên hệ trực tiếp với sinh viên hoặc nhắn tin qua các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Snapchat, WhatsApp… nhằm chiêu mộ thêm những “con la tiền”.
Lời khuyên để giữ an toàn trước các chiêu trò lừa đảo này là không tham gia các bài đăng trực tuyến cung cấp số tiền lớn; không chấp nhận yêu cầu nhắn tin từ những người không quen biết; không chia sẻ thông tin cá nhân và ngân hàng với bất kỳ người lạ nào và nói “không” với những người đề nghị sử dụng hoặc mượn tài khoản của bạn.
Ông Marc Broome, nhân viên Ngân hàng ANZ cho biết kể từ cuối năm ngoái, ngân hàng này đã phát hiện được 3.200 tài khoản “con la tiền”. Do đó, giới chuyên môn cho rằng các tổ chức tài chính cần có cuộc gọi cảnh báo cho khách hàng của mình.
Một số ngân hàng gần đây đã triển khai các hệ thống mới để xác định tài khoản “con la tiền” - một vấn đề mà họ mô tả đang ngày càng gia tăng trên toàn Australia.