Australia cảnh báo nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 7/9, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo nguy cơ rất lớn bùng nổ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nhận định nếu Triều Tiên hành động quân sự nhằm vào Mỹ thì đây sẽ là một “thảm họa hoàn toàn”.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc họp báo ở Sydney ngày 30/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Nine Network, nhà lãnh đạo Australia cho biết ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/9 đã có cuộc điện đàm kéo dài nửa giờ để thảo luận các biện pháp đối phó với Triều Tiên, kể cả quân sự. Tuy nhiên theo ông, biện pháp tốt nhất để kiềm chế tham vọng quân sự của Triều Tiên vẫn là trừng phạt kinh tế.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Australia cũng đang xem xét những biện pháp cần thiết để có thể sơ tán hàng nghìn người Australia đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne khẳng định các lực lượng quốc phòng Australia và Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ để đối phó với khủng hoảng Triều Tiên.

Bà Payne xác nhận đã có cuộc đối thoại với các quan chức quốc phòng Hàn Quốc tại thủ đô Seoul về các biện pháp đối phó trước cuộc khủng hoảng này. Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) đang phối hợp với Hàn Quốc trong cuộc diễn tập quân sự đa phương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có 1.200 binh sĩ ADF tham gia. Bà Payne nêu rõ sẽ quay lại Seoul vào tháng 10 tới để thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau khi Triều Tiên hôm 3/9 tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H). Nhật Bản đã nâng ước tính về sức công phá của vụ thử hạt nhân này lên mức 160 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Sau vụ thử hạt nhân này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh hơn nhằm vào Triều Tiên.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay trong cuộc điện đàm ngày 6/9, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến này.

Quan chức này nhấn mạnh vụ thử cho thấy nguy cơ an ninh với toàn bộ khu vực và là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Cả hai nhà lãnh đạo kêu gọi siết chặt trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, đồng thời tiến hành đối thoại nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho tình tình trạng căng thẳng hiện nay.

Trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm cách tăng cường trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Triều Tiên tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt và gia tăng áp lực, Washington sẽ đối mặt với hành động đáp trả cương quyết chưa từng có mà nước này không thể kiểm soát được.

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Chính phủ Mexico ngày 7/9 đã tuyên bố không hoan nghênh Đại sứ Triều Tiên Kim Hyong Gil, yêu cầu nhà ngoại giao này rời khỏi Mexico trong vòng 72 giờ nhằm thể hiện sự phản đối của Mexico đối với Chính phủ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân gần đây.

Mexico lên án hành động thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á, bao gồm các đồng minh quan trọng của Mexico như Nhật Bản và Hàn Quốc, và thế giới.

TTXVN/Báo Tin Tức
TTK LHQ cảnh báo tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tương tự như Thế chiến thứ nhất
TTK LHQ cảnh báo tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tương tự như Thế chiến thứ nhất

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 5/9 cho rằng tình hình hiện nay xung quanh việc Triều Tiên gia tăng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất" mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, tương đương với những gì khiến Chiến tranh Thế giới thứ 1 nổ ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN