Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu với báo giới sau Hội nghị thượng đỉnh AU kéo dài hai ngày 18-19/2 tại thủ đô của Ethiopia, ông Mahamat khẳng định: "Chúng tôi đã gặp gỡ các bên khác nhau của Libya. Chúng tôi đang trong quá trình làm việc với họ về thời gian và địa điểm để tổ chức hội nghị hòa giải dân tộc".
Libya đã rơi vào khủng hoảng chính trị và an ninh kéo hơn một thập niên sau cuộc chính biến năm 2011. Cuộc chiến tranh giành quyền lực đã dẫn đến sự ra đời của nhiều lực lượng dân quân trong nước và khiến các cường quốc Arab cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và các quốc gia phương Tây phải can thiệp.
Libya hiện có hai chính quyền cùng tồn tại song song, bao gồm chính quyền ở miền Đông được tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn, và Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận của Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah.
Hồi đầu tháng này, LHQ thông báo rằng các quan chức cấp cao từ hai chính quyền đối địch của Libya đã thống nhất một cơ chế phối hợp nhằm rút tất cả các binh sĩ nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ nước này. Theo ước tính của LHQ, hơn 20.000 binh sĩ nước ngoài, gồm cả lực lượng quân sự và bán quân sự, đang hiện diện tại Libya. Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya đánh giá đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đạt được sự ổn định và hòa bình bền vững ở Libya.