Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf cho biết các lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước AU đã có các buổi tranh luận quan trọng về vấn đề chống tham nhũng và hội nhập khu vực. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về việc thiết lập một cơ chế giám sát nhằm chống lại các hành vi tham nhũng trong nước cũng như xuyên quốc gia, thông qua các hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên.
Trong khi đó, Chủ tịch AU đồng thời là Tổng thống Rwanda Paul Kagame cho biết 49 quốc gia, trong đó có Nam Phi, Sierra Leone, Namibia, Lesotho và Burundi, đã ký kết AfCFTA trong khuôn khổ hội nghị. Chad và Swaziland đã thông qua thỏa thuận, theo đó tổng cộng có 6 nước đã thông qua thỏa thuận này. Tối thiểu phải có 22 nước thông qua để AfCFTA chính thức có hiệu lực.
Theo Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat, việc chống tham nhũng đòi hỏi phải có các biện pháp pháp lý, hành chính hoặc tài chính. Ông Faki Mahamat nhận định cuộc khủng hoảng di cư cũng là một vấn đề nội bộ của châu Phi và giải pháp nằm ở sự hội nhập khu vực. Ông cho rằng AfCFTA và việc tự do đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Hội nghị những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước AU là hoạt động cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 31 diễn ra từ 25/6 - 2/7. Có 22 nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước thành viên AU tham dự hội nghị. Hội nghị lần này chủ yếu tập trung vào các nội dung chính như cuộc khủng hoảng an ninh, thương mại và phòng chống tham nhũng.