Hai bên mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ ASEAN - Mỹ, tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Mỹ vào năm 2022 và thúc đẩy quan hệ đối tác với các hoạt động hợp tác cụ thể vì lợi ích chung của cả hai phía.
ASEAN hoan nghênh Mỹ ủng hộ các nỗ lực phục hồi đại dịch trong khu vực, trong đó có việc tài trợ hơn 31 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và hỗ trợ hơn 194 triệu USD tiền mặt, cam kết đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, khai trương Văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại khu vực Đông Nam Á, thành lập Sáng kiến tương lai y tế Mỹ - ASEAN.
ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết của Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc giải quyết các lỗ hổng trong phân phối vaccine và khuyến khích hợp tác nhiều hơn nhằm đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, bình đẳng và với giá cả phải chăng, trong đó có việc mở rộng sản xuất vaccine trong khu vực.
Hai bên hoan nghênh sự phát triển tích cực của mối quan hệ kinh tế ASEAN - Mỹ bất chấp sự gián đoạn do đại dịch COVID-19. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 308,3 tỷ USD và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN với 34,7 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế ASEAN - Mỹ; đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Washington trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới con người hơn, lấy con người làm trung tâm thông qua các chương trình xây dựng và phát triển năng lực. ASEAN hoan nghênh sự phát triển hợp tác ASEAN - Mỹ và những nỗ lực không ngừng của Mỹ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và bình đẳng tại khu vực.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và việc theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đồng thời ghi nhận những tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), hướng tới việc sớm ký kết một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.