Phát biểu trong cuộc gặp đặc phái viên của Ngoại trưởng Nga Igor Khovaev, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh Armenia ủng hộ các đề xuất do phía Nga đưa ra hồi tháng 8 năm nay, cho rằng các đề xuất này có thể trở thành cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan.
Theo Chính phủ Armenia, tại cuộc gặp, hai bên cũng thảo luận về kết quả cuộc họp 3 bên của các nhà lãnh đạo Armenia, Nga và Azerbaijan ở Sochi (Nga), quá trình giải quyết mối quan hệ Armenia-Azerbaijan và các vấn đề liên quan đến tranh chấp tại Nagorny-Karabakh. Trong tuyên bố chung sau hội nghị 3 bên này, Armenia và Azerbaijan đã "nhất trí không sử dụng vũ lực" để giải quyết tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorny-Karabkh.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đã trở nên căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Vấn đề này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp hòa giải phù hợp. Hồi tháng 5 năm nay, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh.