Theo kênh CNBC, lãi suất chuẩn Leliq của Argentina cho kỳ hạn 28 ngày đã tăng từ 60% lên 69,5%. 60% là tỷ lệ mà Ngân hàng Trung ương Argentina mới đặt ra hai tuần trước khi tăng lãi suất thêm 800 điểm cơ bản.
Dữ liệu lạm phát mới cho thấy Argentina cần cấp bách thúc đẩy chính sách kinh tế. Giá cả đã tăng 7,4% trong tháng 7, cao hơn dự báo và đẩy lạm phát hàng năm lên mức cao nhất trong 20 năm là 71%.
Trong một tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Argentina cho biết quyết định nâng lãi suất sẽ giúp giảm lạm phát trong thời gian còn lại của năm, củng cố ổn định tài chính và hối đoái.
Ngân hàng này cũng cho biết quyết định nhằm đưa lãi suất tới gần hơn vùng lãi suất dương trong điều kiện thực tế.
Lãi suất thực dương là một trong những điểm được thống nhất giữa Argentina và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) theo thỏa thuận nợ trị giá 45 tỷ USD gần đây.
Ngày 11/8, Viện Thống kê và Điều tra Quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 7 đã tăng 7,4% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 4/2002, thời điểm giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử hồi năm 2001.
Trong số các nhóm sản phẩm và dịch vụ thiết yếu tăng giá trong tháng 7/2022, nổi bật là chi phí nhà ở và dịch vụ công cộng (tăng 4,6%), y tế (6,8%), điện thoại và Internet (5,5%) và giáo dục (6,1%). Đặc biệt, INDEC cho biết mức tăng 6% của nhóm hàng thực phẩm đã tác động mạnh tới giỏ tiêu dùng cơ bản, vốn đã rất cao ở Argentina (tăng tới 37,3% trong nửa cuối năm 2021).
Ngay sau khi nhận được báo cáo về tình hình lạm phát, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã bày tỏ lo ngại về việc giá cả trong nước tăng mạnh, đồng thời cam kết đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng lạm phát tăng cao.
Ông Fernández nhấn mạnh Chính phủ Argentina đã quyết định tăng 15,53% lương hưu và hỗ trợ những người khó khăn nhất một khoản tài chính trị giá 7.000 peso.
Ngoài ra, Tổng thống Fernández cho biết chính phủ cũng đang tích cực đàm phán về vấn đề tiền lương của người lao động với lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn lớn, với mục đích thúc đẩy biện pháp “tiền lương đánh bại lạm phát”.
Về phần mình, tân Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa thừa nhận rằng tháng 7 và tháng 8 sẽ là hai tháng khó khăn nhất trong năm 2022 về vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, ông Massa cho rằng kể từ tháng 9, đà lạm phát sẽ chững lại nhờ các biện pháp do Chính phủ đưa ra, bao gồm kiềm chế thâm hụt tài khóa, cắt giảm phát hành tiền tệ, và gia tăng dự trữ ngoại tệ nhằm ổn định các biến số kinh tế vĩ mô và xoa dịu tâm lý lo lắng trên thị trường.
Nhà kinh tế học Eugenio Marí từ Viện nghiên cứu Libertad y Progreso nhận định giá tiêu dùng tháng 7 gia tăng mạnh xảy ra trong bối cảnh biến động chính trị tại Argentina. Theo ông Eugenio Marí, trong hai tuần qua, Chính phủ Argentina đã cố gắng ổn định tình hình trong bối cảnh lạm phát vốn đã ở mức rất cao. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, để ngăn ngừa đà tăng lạm phát này, chính phủ cần phải ngừng chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được, đồng thời giảm phát hành tiền tệ và cân bằng lại thị trường hối đoái.
Theo các công ty tư vấn tài chính được Ngân hàng Trung ương Argentina tham vấn vào cuối tháng trước, lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ tăng tới 90,2% trong năm 2022 với mức tăng trung bình hàng tháng không dưới 5% cho đến ít nhất là tháng 1/2023.
Do đó, giảm lạm phát, nợ nần chồng chất và bội chi kinh niên của Argentina là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa.
Ngày 11/8, ông Massa đã công bố kế hoạch trao cho các công ty dầu mỏ các lợi ích thuế và cắt giảm một số thủ tục để nỗ lực tăng cường đầu tư vào công ty dầu đá phiến Vaca Muerta.