Theo hãng tin Reuters, với thị trường vốn chủ sở hữu và nợ ổn định, đồng tiền không tiếp tục mất giá,, các thị trường mới nổi tại châu Á đang càng ngày càng giữ chân giới đầu tư.
Các đồng tiền bị giảm giá trị trước đó như đồng won của Hàn Quốc và đồng ringgit của Malaysia đã tăng giá trong phiên ngày 28/7. Không chỉ vậy, các thị trường trái phiếu và cổ phiếu ở Seoul, Kuala Lumpur, Jakarta và Manila đều phản ứng tích cực với đợt tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Sau hai cuộc họp chính sách, FED đã quyết định tăng thêm tổng cộng 150 điểm lãi suất cơ bản – tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Mục tiêu cho lãi suất chuẩn mà FED đặt ra là ở mức từ 2,25% đến 2,5% như thời điểm giữa năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell lưu ý tốc độ chi tiêu và sản xuất đang chậm lại, đồng thời ám chỉ một sự giảm tốc trong các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Các nhà giao dịch đã coi những phát ngôn này như một lời xác nhận ngầm rằng mức lãi suất cao nhất mà FED có thể đưa ra đang đến rất gần.
Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities ở Tokyo, cho biết: “Những ngày này, tiền tệ của các thị trường mới nổi, đặc biệt là tiền tệ châu Á, đã bị bán quá mức (bán nhiều hơn so với mức cân bằng của thị trường). Thị trường chứng khoán đang lên của Mỹ và phát ngôn ít cứng rắn hơn của Chủ tịch Powell đang hỗ trợ các đồng tiền châu Á và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi khác phục hồi”.
Thị trường cổ phiếu chủ đạo ở Hàn Quốc và Indonesia đang có dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua. Thay vì sụp đổ, trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm ở Indonesia tăng tương đối tốt. Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc, đã giảm gần 9% từ đầu năm cho đến nay, hướng tới phiên giao dịch tốt nhất trong gần một tháng vào ngày 28/7 và tăng khoảng 2% so với mức thấp nhất trong 13 năm.
Chiến lược gia Moh Siong Sim của Ngân hàng Trung ương Singapore cho biết: “Trong thời gian từ 6 đến 12 tháng, lạm phát bùng phát trên toàn cầu và việc thắt chặt của FED chậm lại có thể có lợi cho đồng won”.
Các diễn biến hiện tại tương đối trái ngược với giai đoạn đầu trong chu kỳ thắt chặt của FED vào năm 2013. Lúc đó, Ấn Độ và Indonesia được coi là hai trong "năm thị trường mới nổi với nền kinh tế mong manh", tài sản ở tuyến đầu dễ bị tổn thương trước việc Mỹ tăng lãi suất. Năm 2013, đồng tiền tệ của Indonesia giảm 21% trong khi năm nay, nó chỉ giảm 5%.
“Điều mà chúng tôi ngạc nhiên cho đến thời điểm này là thị trường châu Á thực sự tương đối ổn định trước sức ép mà họ đang phải chịu”, Thu Ha Chow, người đứng đầu bộ phận đầu tư thu nhập cố định châu Á tại quỹ quản lý tài sản Roberco, cho hay.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra vẫn có rất nhiều rủi ro - đặc biệt là khi một số ngân hàng trung ương, ở Thái Lan và Indonesia, đang không theo FED trong việc tăng lãi suất.
Cả hai quốc gia đều không nâng lãi suất chính sách từ hồi đại dịch, gây áp lực mất giá lên đồng tiền tệ, từ đó có thể làm nghiêm trọng thêm lạm phát và dòng tiền chảy ra. Các nhà đầu tư hy vọng cả hai sẽ sớm đi theo xu hướng của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Howe Chung Wan, người đứng đầu bộ phận đầu tư thu nhập cố định châu Á của Hãng đầu tư toàn cầu tại Singapore, nhận định: “Khi triều cường rút xuống và bạn vẫn không tăng lãi suất, thì kết quả sẽ khó lường”.