Argentina đẩy mạnh tái cơ cấu nợ chủ quyền

Với sự ủng hộ của các nước thuộc nhóm G77 và Trung Quốc, Argentina sẽ trình lên Liên hợp quốc (LHQ) một dự thảo nghị quyết về việc soạn thảo một công ước quốc tế nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ chủ quyền.



Tại cuộc họp báo chung tại thủ đô Buenos Aires ngày 29/8, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman và Bộ trưởng kinh tế Axel Kicillof  cho biết, hơn 130 nước thuộc nhóm G77 và Trung Quốc đã nhất trí trình LHQ văn kiện trên trong tháng 9/2014,  nhằm giải quyết “một cách công bằng” vấn đề tái cấu trúc nợ của các nước bị vỡ nợ.


Theo dự thảo nghị quyết, khi một nước tái cơ cấu nợ của mình, nếu được 2/3 chủ trái phiếu đồng ý, thì 1/3 số trái chủ còn lại cũng phải chấp nhận các điều kiện tái cơ cấu nợ mà số đông đã chấp nhận.


Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, bị coi là vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý đáo nợ và nhận không đầy đủ giá trị mặt của trái phiếu.


Trong số các chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina tại tòa án ở New York và thắng kiện đòi Buenos Aires thanh toán trái phiếu nợ theo giá mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD.


Các quỹ đầu cơ này bị gọi là những quỹ “kền kền”, vì mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn kinh tế với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại thị trường thứ cấp, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt.


Mới đây, Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa, đã phong tỏa 539 triệu USD được Buenos Aires chuyển vào tài khoản của ngân hàng Bank of New York Mellon từ cuối tháng 6 để thanh toán cho các trái chủ đã chấp nhận đáo nợ. Theo ông Griesa, Argentina phải trả toàn bộ tiền nợ cho các quỹ đầu cơ mới được phép trả nợ cho các chủ trái phiếu đã đồng ý tái cơ cấu nợ.


Argentina không thể thực hiện phán quyết này, vì nếu chấp nhận thanh toán nợ cho các “quỹ kền kền” theo đúng mệnh giá trái phiếu, Buenos Aires sẽ đối mặt với nguy cơ bị các chủ trái phiếu không tham gia tái cơ cấu nợ và các chủ đã chấp nhận đáo nợ kiện yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả một số tiền khổng lồ có chuyên gia ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD.


Trước tình trạng trên, chính phủ Argentina đã trình và Quốc hội nước này đang thảo luận một dự luật nhằm bảo đảm cho các chủ trái phiếu đã tham gia tái cơ cấu nợ có thể nhận tiền trả nợ tại Argentina.


Năm 2012, một chiếc tầu chiến của Argentina bị bắt giữ theo lệnh của tòa án Ghana để ép Buenos Aires thanh toán cho chính quỹ đầu tư đầu cơ NML Capital khoảng 300 triệu USD trái phiếu nợ.


Argentina đã kiện vụ bắt nợ này lên Tòa án quốc tế về luật biển tại thành phố Hamburg (Đức) và tòa đã ra phán quyết yêu cầu Ghana thả tầu "vô điều kiện và ngay lập tức", vì theo Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, tầu chiến được hưởng quy chế miễn trừ chủ quyền.


Với việc khởi xướng thảo luận tại LHQ một công ước về tái cơ cấu nợ chủ quyền, Argentina muốn có một khuôn khổ pháp lý để giải quyết những vụ việc như vụ Buenos Aires đang phải đối đầu./.


Quang Sơn

(Phóng viên TTXVN tại Argentina)

 
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN