Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu với báo giới ngày 15/9, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen cho rằng không cần thiết phải xem xét lại dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga qua Biển Baltic tới châu Âu vì những hoài nghi liên quan vụ việc của ông Navalny. Nhà lãnh đạo Áo khẳng định ông "không thấy có mối liên kết" nào giữa vụ việc này với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời cho rằng nên coi đây chỉ là một "dự án thương mại" đơn thuần. Công ty OMV của Áo là một trong số các công ty châu Âu tham gia đóng góp tài chính xây dựng dự án trị giá khoảng 10 tỷ euro sắp hoàn tất này.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã bày tỏ đồng tình với phát biểu nói trên của Tổng thống Van der Bellen. Ông nói: "Đối với Áo, Dòng chảy phương Bắc là một dự án tích cực. Chúng tôi cho rằng việc có thể đa dạng hóa và sử dụng những tuyến đường khác nhau để sản xuất và vận chuyển năng lượng tới châu Âu là điều tốt đẹp". Tuy nhiên, ông Kurz cũng thừa nhận những bất đồng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên quan vấn đề này. Ông Zelensky một mặt chia sẻ quan điểm của Áo, coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án quan trọng đối với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ mong muốn Vienna nhìn nhận dự án từ quan điểm của Kiev. Hiện Ukraine đang có nguồn thu đáng kể từ việc vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu. Tuy nhiên, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 khi hoàn tất có thể đảo ngược điều này. Nhiều nước thành viên EU như Ba Lan và các nước Baltic cũng phản đối dự án trên, trong khi Mỹ liên tục gây sức ép đối với việc xây dựng dự án. Theo Tổng thống Áo, châu Âu sẽ quyết định các vấn đề liên quan chính sách kinh tế của mình, chứ không phải Mỹ.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel - người từng mạnh mẽ bảo vệ dự án, khẳng định bà không bác bỏ nguy cơ về những hậu quả với dự án nếu Nga không làm sáng tỏ vụ việc liên quan nhân vật Navalny.
Ngày 11/9 vừa qua, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức, bà Manuela Schwesig cho rằng không nên sử dụng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 để trừng phạt Nga. Bà nêu rõ: "Đường ống ở Biển Baltic không phải là một dự án của Nga và cũng không chỉ phục vụ lợi ích của Nga. Đường ống này trên hết là lợi ích của Đức và Tây Âu khi chúng tôi muốn đạt được sự chuyển đổi năng lượng". Chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cũng chỉ trích ý tưởng nhập khẩu khí đốt khai thác bằng công nghệ bẻ gãy thủy lực (fracking) của Mỹ như giải pháp thay thế. Bang Mecklenburg-Vorpommern ở miền Bắc nước Đức dự kiến là nơi lắp ráp đường ống ở đất liền để nối dòng khí đốt vận chuyển từ Nga tới Đức.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thiện trên 90% khối lượng công việc. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 sẽ giúp tăng gấp đôi công suất của hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 hiện đang đưa khí đốt từ Nga đến Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cho đến nay vẫn kiên định ủng hộ dự án trên, vừa cho biết việc có tiếp tục dự án hay không sẽ là quyết định của các đối tác Liên minh châu Âu (EU), song trước tiên châu Âu cần đợi câu trả lời của Nga về việc làm sáng tỏ vụ ông Navalny nghi bị đầu độc.