Với tư cách là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất của châu Âu, Anh đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đảm bảo an ninh của châu lục này. Tuy nhiên, hồi tháng 3/2018, các nhà đàm phán EU và Anh đã nhất trí rằng London có thể không tiếp tục dẫn đầu hoặc tham gia các sứ mệnh của EU khi Anh đã rời khỏi khối này, sự kiện còn gọi là Brexit. Tây Ban Nha và Italy đã nhất trí đảm nhận vai trò lớn hơn trong nhiều chiến dịch gìn giữ hòa bình và huấn luyện của EU trên toàn thế giới.
Năm 2016, sau khi các cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định vị trí của Anh trong liên minh sẽ "không thay đổi". Ông Stoltenberg nói rằng dù người Anh lựa chọn rời khỏi "mái nhà chung EU", song Anh vẫn là một đồng minh hùng mạnh của khối liên minh quân sự này, đồng thời vẫn giữ vai trò quan trọng trong NATO.
Anh là quốc gia sở hữu một trong những quân đội hùng mạnh nhất và được trang bị tốt nhất trong EU. Đây là một trong hai quốc gia thành viên duy nhất của EU sở hữu năng lực quân sự "toàn diện", trong đó có cả khả năng răn đe hạt nhân. Anh cũng là một trong 6 quốc gia thành viên NATO dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng. Do đó, giới quan sát đánh giá việc Anh rời EU sẽ có tác động đáng kể tới lĩnh vực quân sự-quốc phòng tại châu Âu. ông Andrea Frontini, nhà phân tích chính sách về châu Âu thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), từng nhận định việc Anh "chia tay" với EU có thể sẽ khiến châu Âu phải nghĩ nhiều hơn tới việc tăng cường an ninh và hội nhập quốc phòng mà không có sự hiện diện của Anh.