Trong một tuyên bố ngày 19/8, Bộ Y tế và chăm sóc xã hội cho biết ban đầu bộ sẽ tiến hành xét nghiệm cho 150.000 người tại vùng England hai tuần một lần vào tháng 10, gấp hơn 5 lần so với hiện nay (28.000 người), nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng là 400.000 người trên toàn Vương quốc Anh.
Nghiên cứu xét nghiệm trên do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh thực hiện, cũng sẽ được mở rộng tới Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.
* Viện Nghiên cứu Paul-Ehrlich (PEI) - cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép vaccine ở Đức - cho biết một số nhóm người sống tại nước này có thể sẽ được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 vào đầu năm tới.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch PEI Klaus Cichutek cho biết dữ liệu từ các thử nghiệm của hai giai đoạn đầu cho thấy một số loại vaccine đã kích hoạt phản ứng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2. Nếu dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn 3 cũng cho thấy vaccine hoạt động hiệu quả và an toàn thì các loại vaccine đầu tiên có thể sẽ được phê duyệt vào đầu năm tới và có thể kèm theo các điều kiện.
Theo ông Cichutek, dựa trên sự đảm bảo từ các cơ sở bào chế vaccine, những liều vaccine đầu tiên có thể được dành cho người dân Đức vào đầu năm tới, phù hợp với những ưu tiên theo quy định của Ủy ban thường trực về tiêm chủng.
Số ca mắc COVID-19 tại Đức đã gia tăng trở lại trong những tuần gần đây. Ngày 19/8, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan chính phủ liên bang về phòng và kiểm soát dịch bệnh, đã ghi nhận thêm 1.510 ca bệnh mới, nâng tổng số bệnh nhân tại Đức lên 226.914 trường hợp.
Hiện nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đang nỗ lực phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19 để sớm ngăn chặn được dịch bệnh gây chết người này. Một số công ty như Moderna, AstraZeneca và Pfizer Inc dự kiến mỗi đơn vị sẽ sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine trong năm tới. Công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức cũng không loại trừ thúc đẩy một quy trình phê duyệt nhanh chóng cho loại vaccine mà hãng phát triển và dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào giữa năm 2021.
* Phát biểu trước báo giới địa phương ngày 19/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông hy vọng Australia sẽ có vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 vào đầu năm sau nếu các thử nghiệm vaccine thành công.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh loại vaccine mới sẽ cần phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn lâm sàng trước khi được sử dụng tại Australia cùng với các biện pháp kiểm soát và bảo vệ cần thiết. Ông cho hay sau khi có được vaccine, Australia cần nhanh chóng đạt tỷ lệ tiêm chủng khoảng 95% trên cả nước để có thể sớm quay trở lại nhịp sống bình thường.
Trước đó, ngày 18/8, Chính phủ Australia đã đạt được một thỏa thuận quan trọng với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca. Theo đó, ngay sau khi vaccine của AstraZeneca vượt qua quá trình thử nghiệm và được cấp phép, Australia sẽ bắt đầu sản xuất loại vaccine này để cung cấp miễn phí cho người dân, trong đó đối tượng được ưu tiên là những người trên 60 tuổi và người có bệnh lý nền như hen suyễn, bệnh tim, ung thư...
Thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD này sẽ đảm bảo Australia là một trong số những quốc gia đầu tiên được sử dụng vaccine của AstraZeneca ngay khi được chứng minh là có hiệu quả phòng ngừa bệnh COVID-19.
Sản phẩm do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh phát triển đang là một trong những loại vaccine tiềm năng đạt được nhiều tiến triển nhất. Trước Australia, Chính phủ Anh cũng đã đạt thỏa thuận đặt mua 100 triệu liều vaccine với AstraZeneca.
Về tình hình dịch bệnh, trong những ngày qua, dịch bệnh tại bang Victoria của Australia tiếp tục có những dấu hiệu khả quan khi số ca nhiễm mới mỗi ngày đang có chiều hướng giảm từ mức trên 300 xuống còn trên 200 ca. Trong 24 giờ qua, bang này ghi nhận 216 ca nhiễm mới và 12 trường hợp tử vong. Với chiều hướng tích cực này, chính quyền bang hy vọng có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa cấp độ 4 đang được áp dụng tại thành phố Melbourne và khu vực Mitchell trước tháng 10 tới.