Anh ghi nhận 6 ca mắc biến thể phát hiện tại Brazil

Ngày 28/2, giới chức y tế Anh cho hay nước này đã lần đầu tiên phát hiện 6 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ thành phố Manaus, Brazil. Trong số này, 3 ca được phát hiện ở vùng England và 3 còn lại ở vùng Scotland.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên phố ở Bolton, phía Bắc vùng England, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông tin từ cơ quan y tế công cộng Anh (PHE), 2 trong số 3 ca được ghi nhận ở vùng England là thành viên một hộ gia đình sinh sống ở khu vực South Gloucestershire đã từng đi du lịch đến Brazil. Ca thứ 3 hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây. 

PHE cho hay hệ thống xét nghiệm và truy vết đã theo dõi tất cả hành khách trên chuyến bay LX318 của Swiss Air từ Sao Paulo, quá cảnh tại Zurich, hạ cánh tại sân bay London Heathrow vào ngày 10/2 để tiến hành xét nghiệm các hành khách và gia đình của họ. 

Trong khi đó, các ca mắc biến thể ở vùng Scotland không liên quan đến các ca ở vùng England. Cả 3 ca mắc COVID-19 ở Scotland đều được xác định là những người trở về nước quá cảnh tại Paris và London, đã tự cách ly trong khoảng thời gian cần thiết là 10 ngày. Chính quyền vùng Scotland cho biết do những lo ngại tiềm ẩn xung quanh biến thể này, lực lượng chức năng đã liên hệ với tất cả hành khách khác trên chuyến bay mà 3 người đã từng đi từ London đến Aberdeen.

PHE cho hay tuy nguy cơ lây lan ra cộng đồng của 3 ca mắc biến thể ở England được coi là thấp, nhưng để phòng ngừa các quan chức đã nhanh chóng triển khai xét nghiệm và tăng cường khả năng giải mã trình tự các mẫu gen của các ca dương tính tại khu vực này. 

Theo PHE, biến thể phát hiện tại Manaus, còn gọi là biến thể P.1, có chung một số đột biến với loại biến thể lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và có thể các loại vaccine hiện tại sẽ có hiệu quả thấp hơn đối với loại biến thể này.

Giám đốc phụ trách chiến lược ứng phó với COVID-19 của PHE Susan Hopkins cho biết khả năng giải trình tự gen tiên tiến của Anh đồng nghĩa với việc nước này đã phát hiện được nhiều biến thể và đột biến hơn rất nhiều quốc gia khác.

Cuối năm 2020, Anh đã phát hiện một biến thể COVID-19 có khả năng dễ lây truyền hơn, được cho là có nguồn gốc gần thủ đô London và đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm trong nước cũng như lây lan ra thế giới. Bà Hopkins cho rằng bất kể biến thể nào đều lây lan theo cùng một cách, do đó các biện pháp ngăn chặn là không thay đổi.     

* Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC châu Phi) cho hay châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 3.888.006 trường hợp mắc COVID-19, tính đến chiều cùng ngày và 103.485 ca tử vong.

Theo CDC Châu Phi, tính đến thời điểm hiện tại, "Lục địa đen" có 3.461.553 người mắc COVID-19 đã được điều trị hồi phục. Khu vực miền Nam châu Phi là nơi ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 nhiều nhất trên châu lục, tiếp đó là khu vực Bắc Phi. Xét về quốc gia, Top 10 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại châu Phi tính theo số ca mắc gồm (theo thứ tự): Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Libya, Algeria, Kenya và Ghana. Trong đó, Nam Phi là quốc gia châu Phi không những ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất châu lục với 1.512.225 trường hợp mà còn ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Phi với 45.941 ca. Hai quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai và thứ ba sau Nam Phi, là Ai Cập và Maroc, lần lượt với 10.639 ca và 8.615 ca. 

* Ngày 1/3, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này đã có thêm 355 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu này thứ hai ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 dưới ngưỡng 400 ca/ngày. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca lây nhiễm mới tại các ổ dịch trước thềm học kỳ mới bắt đầu. T

heo KDCA, số ca mắc mới giảm dường như là do ít người thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào cuối tuần. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 tại nước này là 1.605 ca. 13 tháng sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 đầu tiên, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này là 90.000 ca.

Giới chức y tế Hàn Quốc nhận định số ca mắc mới tại nước này dường như thấp hơn so với làn sóng bùng phát dịch thứ ba với đỉnh điểm ghi nhận 1.241 ca vào ngày 25/12/2020. Tuy nhiên, xu hướng số ca mắc mới gia tăng tại các ổ dịch như công sở, bệnh viện đã đặt ra thách thức đối với nỗ lực kiểm soát dịch của Hàn Quốc trong bối cảnh quan ngại về những biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. 

Hàn Quốc đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng quy định giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa đến hết ngày 14/3 mặc dù học kỳ mới tại nước này sẽ bắt đầu vào tuần này.

* Trong khi đó, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã ghi nhận 19 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh. Số ca mắc COVID-19 không triệu chứng là 13 ca. Trung Quốc không đưa ca mắc không triệu chứng vào danh sách ca mắc được xác nhận. Tính đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 89.912 ca mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong vẫn không đổi là 4.636 ca.

* Ngày 28/2, Chính phủ Argentina đã yêu cầu gia hạn các biện pháp hạn chế và giãn cách bắt buộc đến ngày 12/3 tới nhằm kiểm soát dịch COVID-19 lây lan.

Sắc lệnh chính phủ do Tổng thốngAlberto Fernandez và các bộ trưởng ký nêu rõ người dân cần duy trì giãn cách tối thiểu 2 mét, sử dụng khẩu trạng tại nơi đông người và thường xuyên sát khuẩn tay. Bên cạnh đó, người dân cần che miệng khi họ, khử trùng các bề mặt, giữ cho phòng thông thoáng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hoạt động, khuyến nghị và hướng dẫn của nhà chức trách. Các lớp học và các hoạt động giáo dục trực tiếp có thể nối lại theo tình hình tại mỗi khu vực. Tuy nhiên, các sự kiện và hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí, tôn giáo và gia đình với sự tham gia của trên 20 người tại không gian kín và khu vực ngoài trời của tư nhân, hay tại không gian mở với sự tham gia của trên 100 người vẫn bị cấm.

Theo thống kê, Argentina đã ghi nhận tổng cộng 2.104.197 ca nhiễm và 51.946 ca tử vong do dịch COVID-19.

* Tại Na Uy, thị trưởng thành phố Oslo, Raymond Johansen thông báo thủ đô sẽ siết chặt các biện pháp phong tỏa để ngăn số ca nhiễm liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2 tăng nhanh. 

Viện Y tế công Na Uy cho biết biến thể này lần được phát hiện lần đầu tại Anh và bắt đầu lây lan tại Oslo vào tháng 1 vừa qua. Biến thể này đang chiếm tới 50 - 70% số ca nhiễm. Trong ngày 26/2, Oslo đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày là 245 ca.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thị trưởng Johansen khẳng định chính quyền đã siết chặt các biện pháp. Nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng lên là do người dân di chuyển nhiều, virus lây lan nhanh, và việc mở rộng công tác xét nghiệm.

Tại Oslo, toàn bộ các nhà hàng, ngoại trừ các điểm cung cấp dịch vụ bán đồ mang về, các cửa hàng không thiếu yếu sẽ phải đóng cửa từ ngày 2/3. Trong khi đó, học sinh sẽ phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Toàn bộ các hoạt động giải trí ngoài trời dành cho người trưởng thành, tụ họp hay thăm viếng đều bị hạn chế. Thành phố cũng lên kế hoạch bắt đầu xét nghiệm quy mô lớn trong tháng 3 để tiến hành truy vết ổ dịch hiệu quả hơn.

Tháng 1 vừa qua, thủ đô Oslo cũng đã đóng cửa nhiều trung tâm mua sắm do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khiến dịch lây lan nhanh hơn. Theo Viện Y tế công Na Uy, tính đến ngày 25/2, nước này đã tiêm phòng mũi đầu cho gần 320.000 người, và gần 150.000 người đã được tiêm đủ hai mũi, trong tổng dân số 5,4 triệu người. 

* Tại Slovakia, chính phủ nước này sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 3/3 tới, bao gồm việc hạn chế người dân đi lại. Theo quy định mới, người dân sẽ chỉ được phép đi lại từ 20h tối đến 1h sáng hôm sau, lệnh hạn chế đi lại sẽ áp dụng trong khung giờ từ 5h sáng đến 20 tối. Từ ngày 8/3, những người vào cửa hàng hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng cần đeo khẩu trang FFP 2. Các trường mầm non sẽ chỉ mở lớp cho những học sinh có cha mẹ không thể làm việc từ xa.

Nếu đến ngày 21/3 tới, các biện pháp hạn chế không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm, chính phủ sẽ chuẩn bị các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa các doanh nghiệp và biên giới.

Tính đến ngày 28/2, Slovakia đã ghi nhận tổng cộng 308.083 ca nhiễm và 7.189 ca tử vong do COVID-19.

* Tại New Zealand, Thị trưởng thành phố Auckland Phil Goff cho biết người dân thành phố này cần được ưu tiên tiêm phòng COVID-19, sau khi thành phố lớn nhất New Zealand phải áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 4 vào cuối tuần qua. 

Chính quyền đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 7 ngày sau khi phát hiện một người mắc COVID-19 từ tuần trước mà không cách ly. Lệnh mới đã buộc một số sự kiện thể thao và văn hóa chính tại Auckland phải hoãn hoặc hủy, đồng thời dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn khi các cư dân bị tắc ở các trạm kiểm soát trong hơn 10 giờ mới có thể về nhà.

Thị trưởng Phil Goff cho biết mỗi ngày Auckland đã mất khoảng 200 việc làm và thiệt hại hơn 30 triệu NZD (21,7 triệu USD) khi áp đặt các biện pháp hạn chế cấp độ 3. Trước tình hình này, Auckland cần được ưu tiên triển khai vaccine ngừa COVID-19 để tránh phải áp lệnh phong tỏa trong tương lai, bảo vệ việc làm và thu nhập, đảm bảo thành phố này có thể hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, New Zealand, một trong những nước phát triển kiểm soát thành công dịch bệnh, đã ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm và 26 ca tử vong do COVID-19.

Thanh Hương - Tấn Đạt - Đặng Ánh (TTXVN)
CH Séc xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể ở Nam Phi
CH Séc xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể ở Nam Phi

Ngày 25/2, Bộ Y tế CH Séc cho biết nước này đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN