An ninh lương thực thế giới trong 'tâm bão' COVID-19

Trong những ngày qua, một loạt cơ quan, tổ chức quốc tế hàng đầu như Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB)… đã lần lượt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng của thế giới như là một trong những hệ lụy lớn nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chủ tịch IFAD Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh: "Hậu quả từ dịch COVID-19 có thể đẩy nhiều gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng nghèo, đói ăn và tuyệt vọng hơn. Đây là một mối đe dọa thực sự đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu”. 

Báo động đỏ

Chú thích ảnh
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jonglei, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự suy giảm kinh tế do dịch COVID-19 đã được đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp giao ban trực tuyến do Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức vào ngày 21/4 vừa qua. Phát biểu tại cuộc họp này, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động để đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh mất an ninh lương thực khẩn cấp.

Ông Qu Dongyu nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua những ảnh hưởng hiện nay của dịch COVID-19 đối với tình trạng an ninh lương thực của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất thế giới, đồng thời khẳng định FAO đang nỗ lực giảm nguy cơ dịch COVID-19 làm gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực và gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) cảnh báo dịch COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020. Theo WFP, tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cách sống năng động, bình thường.

Nhà kinh tế cấp cao của WFP, Arif Husain, cho rằng dịch COVID-19 sẽ là một nguy cơ tiềm ẩn đối với hàng triệu người dân vốn đang trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Theo ông Arif Husain, cộng đồng quốc tế cần phải nhanh chóng hành động nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19.

Theo "Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực" do WFP và 15 đối tác phát triển và viện trợ nhân đạo khác công bố, trong năm 2019, các nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là xung đột (77 triệu người), thời tiết cực đoan (34 triệu người) và bất ổn kinh tế (24 triệu người). Năm 2019, 10 quốc gia - chiếm 65% dân số thế giới - đối mặt với khủng hoảng lương thực, gồm Afghanistan, Cộng hòa Congo, Ethiopia, Haiti, Nigeria, Nam Sudan, Syria, Sudan, Venezuela và Yemen.

Báo cáo trên cũng cho thấy vào cuối năm 2019, 135 triệu người ở 55 quốc gia và vùng lãnh thổ gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp, trong khi 75 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và 17 triệu người khác bị thiếu ăn do tình trạng lãng phí lương thực. Hơn 50% trong số 135 triệu người nói trên hiện sống ở châu Phi, 43 triệu người sống ở khu vực Trung Đông và châu Á, còn 18,5 triệu người sống ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Hành động cấp bách

Chú thích ảnh
Trẻ em xếp hàng chờ nhận bữa ăn miễn phí do Chương trình Lương thực LHQ tài trợ tại Harare, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một bức thư gửi cho các nhà lãnh đạo thế giới mới đây, các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lương thực, chế biến thực phẩm như Danone, Nestlé, Unilever… cùng với những nhà khoa học, nông dân đã yêu cầu các tổ chức khu vực cũng như các quốc gia nhanh chóng “thiết kế” những biện pháp ứng phó dịch COVID-19 nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ở cấp khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.

Họ nêu bật ba hành động cần thực hiện để ứng phó với nguy cơ trên bao gồm duy trì mở cửa thương mại, đảm bảo tất cả người dân đều có thể tiếp cận nguồn cung lương thực đầy đủ dinh dưỡng với giá cả hợp lý và thiết lập các nền tảng cho sự phục hồi của thế giới.

Những tác động của dịch COVID-19 đối với tình hình mất an ninh lương thực ở các nước giàu và những quốc gia nghèo cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi đó, theo Tiến sỹ Cedric Habiyaremye, làm việc tại Đại học Bang Washington, tình trạng thiếu hụt lao động có thể phá vỡ hoạt động sản xuất và thu hoạch mùa màng trong lĩnh vực nông nghiệp vốn sử dụng nhiều lao động, nhất là các quốc gia dễ tổn thương ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Về phần mình, WB cảnh báo rằng khu vực châu Phi cận Sahara - khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới - có thể sẽ chuyển từ tình trạng khủng hoảng y tế sang khủng hoảng an ninh lương thực nếu cộng đồng quốc tế không có những hành động ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria Muhammed Sabo cho rằng nguy cơ mất an ninh lương thực không chỉ xảy ra đối với Nigeria mà còn đối với tất cả quốc gia trên thế giới. Nigeria đã tăng mạnh sản lượng gạo trong nước trong những năm gần đây, song số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay gạo nhập khẩu vẫn đang đáp ứng ít nhất 33% nhu cầu tiêu thụ gạo của quốc gia châu Phi này. Còn trên toàn khu vực châu Phi cận Sahara, các quốc gia hiện đang phụ thuộc vào gạo nhập khẩu để đáp ứng tới 40% nhu cầu trong nước.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang làm gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 20 nước thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí bảo đảm duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm.

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 22/4, nhóm các nước thành viên WTO nói trên, trong đó có Australia, Brazil, Canada và Nhật Bản, nhấn mạnh người nghèo trên thế giới, bao gồm cả những người nông dân, sẽ gánh chịu hậu quả của các biện pháp hạn chế xuất khẩu được siết chặt. Nhóm nước này cam kết không áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm, cũng như tránh thiết lập các nguồn cung cấp thực phẩm nội địa, đồng thời đảm bảo các chuỗi cung ứng luôn mở và các biện pháp khẩn cấp phải tương xứng, minh bạch và chỉ mang tính tạm thời. Các nước này cũng nhất trí thảo luận về cách thức để nâng cao năng lực sẵn sàng của tổ chức khi ứng phó với các đại dịch trong khu vực và quốc tế. 

Còn theo IFAD, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu kéo theo sự suy thoái kinh tế đang đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. IFAD đã dành 40 triệu USD để chống lại sự nghèo đói ở khu vực nông thôn và ra lời kêu gọi khẩn cấp với mục tiêu huy động thêm ít nhất 200 triệu USD từ các quốc gia thành viên, các quỹ và khu vực tư nhân.

IFAD cho biết số tiền gây quỹ cần thiết để hỗ trợ cho những người nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tiếp tục sản xuất và bán thực phẩm, giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với sản xuất lương thực, tiếp cận thị trường và việc làm ở khu vực nông thôn.

Khả năng mới của IFAD sẽ cho phép người nông dân ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận kịp thời đầu vào sản xuất, thông tin, thị trường và tính thanh khoản.

Anh Quân/TTXVN (tổng hợp)
Thế giới đứng trước nhiều thách thức về an ninh lương thực do đại dịch COVID-19
Thế giới đứng trước nhiều thách thức về an ninh lương thực do đại dịch COVID-19

An ninh lương thực luôn là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN