Đây cũng là chiếc chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia, tạo điều kiện để những quốc gia này hội nhập hiệu quả hơn vào thị trường khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu khi trong những tháng đầu tiên của năm 2020 nhiều biến động, vấn đề này lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều đáng nói là những yếu tố đang chi phối tình hình an ninh lương thực không chỉ có đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà còn rất nhiều các điều kiện khác, và tình trạng này đang đe dọa không chỉ những nước nghèo.
Những tác động của COVID-19
An ninh lương thực nổi lên như một mối quan ngại ngày càng tăng trong các cuộc họp gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng nông nghiệp thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 21/4, Giám đốc điều hành phụ trách chính sách phát triển của WB bà Mari Pangestu cho rằng các nước nghèo nhất thế giới đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sự sụt giảm nguồn thu ngoại hối, những hạn chế về xuất khẩu lương thực cũng như sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng.
Đại dịch COVID-19 xảy ra đã buộc nhiều quốc gia phải thực hiện "bế quan tỏa cảng". Lựa chọn này đã khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ phía các nhà hàng và người tiêu dùng sụt giảm mạnh, khiến những người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, một số người cho rằng việc vứt bỏ cây trồng còn có tính kinh tế hơn là tiếp tục sản xuất và phải trả tiền cho người lao động cùng các chi phí vận chuyển.
Thật vậy, theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) về nguồn cung-cầu ngũ cốc được phát hành vào tháng 3/2020, thị trường ngũ cốc toàn cầu trong năm 2019-2020 dự kiến sẽ duy trì ở trạng thái tốt. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 lại mang đến những vấn đề phức tạp khác đối với an ninh lương thực, liên quan đến vấn đề điều phối và thương mại toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế của FAO Maximo Torero cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là các chính phủ hạn chế xuất khẩu thực phẩm để ưu tiên cung cấp trong nước. Theo đó, việc đóng cửa xuất khẩu có thể dẫn đến nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vì sự thiếu hụt nguồn cung và tăng giá lương thực toàn cầu.
Những hạn chế bắt đầu được đưa ra khi các nhà nhập khẩu thực phẩm lớn cố gắng tăng cường dự trữ của riêng họ bằng cách đẩy nhanh hoạt động nhập khẩu. Nga, nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ tạm dừng xuất khẩu ngũ cốc đến ngày 1/7 một khi hạn ngạch xuất khẩu 7 triệu tấn đạt đến giới hạn cao nhất. Ai Cập, quốc gia mua ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã đặt mua 180.000 tấn lúa mỳ Nga để dự trữ.
Hiện giá một số thực phẩm bắt đầu tăng do nhu cầu mua tăng đột biến. Giá giao dịch lúa mỳ tương lai ở Chicago, thước đo chuẩn mực toàn cầu, đã tăng 15% kể từ giữa tháng 3/2020, trong khi giá thịt bò và trứng cũng có xu hướng đi lên.
Trên thị trường gạo thế giới, giá gạo cũng đã nhảy vọt lên mức cao nhất của 7 năm giữa bối cảnh người dân đổ xô tích trữ lương thực. Theo Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng hạt dài 5% tấm - mức giá chuẩn của ngành - đã tăng 12% trong giai đoạn từ ngày 25/3 đến ngày 1/4.
Và bức tranh toàn cảnh
Bộ trưởng Bộ An ninh lương thực Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Mariam bint Mohammed Almheiri đã khẳng định trong cuộc gặp G20 rằng chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đã phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng và "cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thế giới. Điều (chúng ta) cần làm bây giờ là cùng hành động và đoàn kết".
Tuy nhiên, ở một góc nhìn rộng hơn, COVID-19 chỉ là yếu tố làm trầm trọng hơn thực trạng vốn đã khó khăn trên một thị trường lương thực đang phải gồng mình để đối phó với một loạt yếu tố tiêu cực xảy ra liên quan đến một vấn đề cố hữu đó là biến đổi khí hậu, với sức ảnh hưởng chắc chắn không chỉ gói gọn ở những nước nghèo nhất.
Vào thời điểm cuối năm 2019 và đầu năm 2020, cả thế giới đã không khỏi lo lắng trước thông tin về dịch bệnh châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Châu chấu đã tàn phá hàng triệu hecta cây trồng trên khắp các khu vực như châu Phi, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Theo số liệu từ WB, "cơn bão" này đã "càn quét" tổng cộng 23 quốc gia, xé nát hàng loạt cây lương thực ở khu vực Sừng châu Phi - nơi có hơn 24 triệu người đang sống trong cảnh thiếu thốn lương thực và 12 triệu người tị nạn.
Các đàn châu chấu với số lượng có thể lên tới hàng trăm tỷ con, tàn phá toàn bộ mùa màng trên đường di chuyển của chúng, đã khiến cơ quan chức năng Pakistan phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo FAO, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến châu chấu dễ sinh sôi và phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn như vậy. Các yếu tố thời tiết thuận lợi như lượng mưa nhiều, ẩm ướt và gió mùa kéo dài trong nhiều tháng qua ở khu vực Sừng châu Phi và Đông Phi đã khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán của FAO.
Trong khi đó, tình trạng hạn hán do hiện tượng El Nino, lũ lụt và các thảm hoạ thiên nhiên cũng đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn ở châu Á và Thái Bình Dương - khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới và khi thảm họa xảy ra sẽ tác động ngay lập tức tới hoạt động sản xuất lương thực.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong năm 2019 có đến 135 triệu người ở 55 quốc gia phải sống trong tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hoặc tình trạng nhân đạo khẩn cấp. Đây là con số cao nhất trong 4 năm tổ chức này thực hiện báo cáo, nguyên nhân là do các cuộc xung đột, cú sốc kinh tế và các yếu tố liên quan đến thời tiết như hạn hán.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cũng dự báo số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể tăng lên gần gấp đôi trong năm nay, lên tới 265 triệu người vì tác động của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, số liệu từ FAO cho thấy một thực trạng đáng quan ngại hơn, đó là thế giới hiện có 821 triệu người, tương đương gần 11% dân số thế giới, bị suy dinh dưỡng - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2011. Việc cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm an toàn và bổ dưỡng, bao gồm duy trì an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng, là điều kiện cơ bản để đảm bảo sự phát triển của thế hệ tương lai.
Trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng đúng cách trong 1.000 ngày đầu tiên sẽ có khả năng thoát nghèo cao hơn 33% khi trưởng thành. Tuy nhiên, theo số liệu của WB, hiện có đến 151 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính, mang đến sự mất mát to lớn đối với không chỉ tiềm năng phát triển cá nhân mà còn cả nền kinh tế.
Có thể nói, bên cạnh những tác động vĩ mô mang tính chất tức thời như COVID-19, thị trường lương thực toàn cầu lâu nay vẫn phải đương đầu những nhiều thách thức cố hữu thậm chí còn phức tạp và lớn hơn theo thời gian. Có lẽ chính vì vậy mà Bộ trưởng Mariam bint Mohammed Almheiri đã gọi cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 là "hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thế giới" và kêu gọi cả thế giới cùng hành động, đoàn kết để vượt qua khó khăn.