Theo báo cáo, trong năm ngoái có 135 triệu người ở 55 quốc gia phải sống trong tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hoặc tình trạng nhân đạo khẩn cấp. Đây là con số cao nhất trong 4 năm LHQ thực hiện báo cáo, sau khi tăng thêm trên 20 triệu người. Nguyên nhân là do các cuộc xung đột, cú sốc kinh tế và các yếu tố liên quan đến thời tiết như hạn hán.
Báo cáo cũng cho thấy khoảng 183 triệu người khác có nguy cơ rơi vào khủng hoảng lương thực nếu phải đối mặt thêm với một cú sốc mới. Do việc thu thập dữ liệu cho báo cáo này kết thúc trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nên tác giả báo cáo cảnh báo rằng đại dịch có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với hàng trăm triệu người vốn đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nói trên.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cùng ngày dự báo số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể tăng lên gần gấp đôi trong năm nay, lên tới 265 triệu người vì tác động của đại dịch COVID-19.
Theo WFP, doanh thu du lịch giảm, đi lại hạn chế và nhiều lĩnh vực khác đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến sẽ khiến khoảng 130 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay, cộng với khoảng 135 triệu người đang sống trong tình trạng này.
Dự kiến, Tổ chức Lương Nông LHQ và WFP sẽ gửi báo cáo trên lên Hội đồng Bảo an LHQ vào cuối ngày 21/4.