Tổ chức Nghiên cứu - Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) ngày 12/3 thông báo đã phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa Nirbhay. Đây là tên lửa hành trình tầm xa đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo, được phóng đi từ bờ biển bang Odisha ở miền Đông. Tuy nhiên, tên lửa đã bị phá hủy sau khi đi trệch quỹ đạo dự kiến.Một phần của tên lửa Nirbhay. Ảnh: Internet |
Người phát ngôn DRDO, ông Ravi Gupta cho biết: "Tên lửa Nirbhay đã được phóng vào lúc 11h50' ngày 12/3, từ bãi thử tại Chandipur ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha, đáp ứng tốt các mục tiêu cơ bản. Sau khi bay được chừng nửa đường, đường bay của tên lửa đã trệch hướng so với dự kiến. Do đó, tên lửa đã bị hủy để đảm bảo an toàn cho khu vực bờ biển".
Nirbhay có tầm bắn 1.000km và là tên lửa hành trình đất đối đất. Với tính năng tuần tra, do thám và tấn công, tên lửa có thể được phóng từ mặt đất, trên biển hoặc từ máy bay, đồng thời có khả năng bay ở tầm thấp nhằm tránh bị phát hiện.
Trong kho vũ khí của mình, Ấn Độ đã có loại tên lửa BrahMos siêu thanh, do Nga phối hợp chế tạo.
Vụ phóng thử Nirbhay diễn ra chưa đầy một năm sau khi Ấn Độ phóng thành công tên lửa đạn đạo Agni V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm xa hơn 5.000 km. Quân đội nước này coi tên lửa Agni V là một bước tiến vượt bậc về công nghệ quân sự.