Giới chuyên gia cho rằng làn sóng lây nhiễm mới này là do mọi người không tuân thủ nghiêm các hướng dẫn y tế và vẫn tham gia các sự kiện tôn giáo và chính trị lớn, cũng như các đám cưới và những trận cricket. Hiện Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng hơn 12,8 triệu ca nhiễm, đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil. Hơn 166.000 người Ấn Độ đã tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bang Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã áp đặt giới nghiêm ban đêm từ ngày 6/4. Và đến ngày 7/4, bang Gujarat (miền Tây) đã gia hạn các biện pháp hạn chế vào ban đêm tại 20 thành phố và cấm các cuộc tụ tập đông người. Thủ hiến Gujarat, Vijay Rupani cho biết: "Chúng tôi cũng đã kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm từ 20h đến 6h, và có hiệu lực đến ngày 30/4".
Đến nay, Chính phủ Ấn Độ đang tránh phải tái áp đặt phong tỏa toàn quốc sau lần phong tỏa hồi tháng 3/2020 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nhiều người dân đã mất cảnh giác kể từ khi số ca nhiễm giảm bớt hồi cuối năm 2020. Nhiều lễ hội tôn giáo lớn như Kumbh Mela hồi tháng trước đã có tới 3 triệu người tham gia. Khán giả cũng đã được phép đến sân vận động xem các trận criket giữa Ấn Độ và Anh ở bang Gujarat trong khi có nhiều cuộc tụ tập chính trị phục vụ các cuộc bầu cử cấp bang thu hút rất đông người tham gia, lên tới 800.000 người.
Trong diễn biến liên quan, tòa phúc thẩm Delhi cùng ngày ra phán quyết bắt buộc đeo khẩu trang khi lái xe, dù chỉ đi một mình. Tòa án cho rằng xe ô tô là "một nơi công cộng" và đeo khẩu trang là biện pháp an toàn cho chính người đeo và người xung quanh. Tòa án nhấn mạnh: "Khủng hoảng dịch bệnh đang tăng, dù một người đã tiêm phòng hay chưa cũng nên đeo khẩu trang".
Ấn Độ đã tiêm gần 90 triệu liều vaccine nhưng giới chuyên gia cho rằng mục tiêu của chính phủ, tiêm cho 300 triệu người trước tháng 8 tới, có thể bị bỏ lỡ bởi nhiều người không muốn tiêm phòng.
* Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Cơ quan Dân số và di trú Israel ra thông báo cho biết kể từ ngày 7/4, nước này bắt đầu cho phép người nước ngoài được nhập cảnh với mục đích thăm người thân. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách nhập cảnh của Israel.
Theo quy định mới, người nước ngoài có bố mẹ, con cái và anh chị em ruột đang là công dân hoặc thường trú nhân sinh sống tại Israel đã có thể xin thị thực dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều khi muốn nhập cảnh vào quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, để có thể nhập cảnh, người thăm thân phải có giấy phép từ Cơ quan Dân số và di trú, thuộc Bộ Nội vụ Israel. Thủ tục đăng ký được thực hiện thông qua các bộ phận lãnh sự của Israel tại nước ngoài.
Hiện tại, quy định mới cũng kèm theo điều kiện người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Israel phải có chứng nhận đã được tiêm phòng vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Việc thay đổi chính sách nêu trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, nhiều công dân nhập cư tại Israel phản đối việc Cơ quan Dân số và di trú từ chối cấp thị thực cho người thân của họ vào Israel để tham dự các sự kiện quan trọng của gia đình, như ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ.