Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (96.557 ca), Mỹ (trên 44.900 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (42.551 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.222 ca), Ấn Độ (445 ca) và Mỹ (370 ca).
Châu Á
Số ca nhiễm mới theo ngày tại Ấn Độ lần đầu vượt 100.000 ca
Tại Ấn Độ, số ca mắc mới 24 giờ qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 100.000 ca/ngày khi ghi nhận 96.557 ca mắc. Trước đó, ngày 5/4, số ca nhiễm mới theo ngày đã lần đầu tiên vượt 100.000 ca. Ấn Độ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ hai bởi dịch COVID-19, chỉ sau Mỹ.
Trong những tuần qua, làn sóng dịch bệnh mới đã nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt ở mức 12,5 triệu ca và 165.000 ca. Chỉ riêng bang Maharashtra đã ghi nhận gần 60.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Chính quyền bang đã quyết định siết chặt lệnh giới nghiêm vào buổi tối để khống chế dịch.
Sau cuộc họp vào cuối tuần qua, Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo triển khai chiến dịch nâng cao hiểu biết của người dân về phòng dịch từ ngày 6-14/4 tới, trong đó tập trung vào vấn đề đeo khẩu trang, vệ sinh và khử khuẩn cá nhân tại các khu vực công động, công sở và các cơ sở y tế.
Tại thủ đô New Delhi, nhà chức trách đã loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa mới dù số ca nhiễm đang tăng lên. Cảnh sát khẳng định sẽ phạt những ai không đeo khẩu trang.
Cho đến nay, Ấn Độ đã tiêm phòng được gần 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Tuần trước, Ấn Độ đã mở rộng tiêm chủng cho tất cả những ai trên 45 tuổi để đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng tại nước này. Ấn Độ cũng đã hạn chế xuất khẩu vaccine để ưu tiên tiêm chủng nội địa.
Hàn Quốc cảnh báo phạt nặng các hành vi vi phạm quy định phòng dịch
Ngày 5/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi người dân cảnh giác trước dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này tiếp tục dao động trong khoảng 500 ca.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với những hành vi vi phạm quy định giãn cách xã hội hay các hành động cản trở nỗ lực chống dịch khác. Ông nhấn mạnh chính phủ sẽ không nhân nhượng trước các hành vi như vậy, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 vào tháng 2 vừa qua. Chính phủ Hàn Quốc đang đặt mục tiêu tiêm phòng được cho 12 triệu người trước cuối tháng 6 tới.
Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 105.752 ca nhiễm và 1.748 ca tử vong do dịch COVID-19.
Nhật Bản lo ngại làn sóng lây nhiễm mới dịch bệnh
Trong bối cảnh chỉ còn 109 ngày nữa là diễn ra Olympic Tokyo, giới chức y tế Nhật Bản đang lo ngại các biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19.
Hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn vẫn chưa xuất hiện rộng rãi tại Nhật Bản. Địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất tại Nhật Bản là Osaka, với số ca nhiễm lên mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, buộc chính quyền địa phương phải áp đặt các biện pháp phong tỏa mục tiêu trong vòng một tháng, kể từ ngày 5/4.
Theo ông Koji Wada, cố vấn Chính phủ Nhật Bản về đại dịch COVID-19, biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại Osaka, khiến các giường bệnh tại đây nhanh chóng lấp đầy, với nhiều các ca bệnh nặng hơn so với chủng gốc. Ông nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Do đó, nhà chức trách cần bắt đầu thảo luận cách thức sử dụng các biện pháp có mục tiêu cho khu vực Tokyo.
Tình hình dịch tại các nước Trung Đông
Nhà chức trách Iran quan ngại các thành phố của nước này có thể phải hứng chịu làn sóng mới dịch COVID-19. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế và Giáo dục y tế Iran Saeed Namaki cho biết trước kỳ nghỉ lễ Năm mới cổ truyền của Iran, bắt đầu vào ngày 21/3 vừa qua, bộ đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người dân đã không lắng nghe khuyến cáo của nhà chức trách về hạn chế đi lại trong dịp nghỉ lễ nên hiện tình hình dịch bệnh trong nước rất nghiêm trọng.
Hiện quốc gia Trung Đông này ghi nhận trên 1,94 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 63.300 người không qua khỏi.
Tại Maroc, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 498.329 ca trong ngày 5/4 với 132 ca mắc mới được ghi nhận. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 7 trường hợp lên 8.857 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Maroc hiện là 1,8%, trong khi tỷ lệ bình phục là 97,3%.
Israel có thêm 356 ca mắc mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt là 834.603 ca và 6.248 ca.
Bộ Y tế Kuwait cũng thông báo có thêm 1.357 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 238.549 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 12 ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 1.365 ca. Chính phủ Kuwait đã quyết định rút ngắn thêm 1 giờ thời gian giới nghiêm, kéo dài từ 19h tối tới 22h tối hôm sau từ ngày 8/4-22/4.
Bộ Y tế Iraq thông báo ghi nhận 6.423 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 879.991 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 39 ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại nước này lên 14.502 ca.
Châu Âu
Anh khởi động chương trình xét nghiệm trên diện rộng
Ngày 5/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo tất cả người dân tại vùng England đều có thể tiến hành xét nghiệm COVID-19 hai lần/tuần. Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm khống chế đại dịch, khi xã hội mở cửa trở lại và chương trình tiêm phòng vẫn đang diễn ra nhanh chóng.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Johnson cho biết chương trình xét nghiệm trên diện rộng mới này sẽ phá vỡ chuỗi lây nhiễm và giúp phát hiện các ca nhiễm không có triệu chứng.
Quan chức cấp cao về y tế của Anh Edward Argar nêu rõ các bộ xét nghiệm sẽ được gửi đến tận nhà hay nơi làm việc, hoặc người dân có thể trực tiếp đến các nhà thuốc và các cơ sở xét nghiệm. Ông bày tỏ thời tin tưởng người dân Anh sẽ thực hiện tốt biện pháp cách ly. Theo ông Argar, việc tăng cường xét nghiệm sẽ giúp các quan chức y tế truy vết hiệu quả trong bối cảnh Anh dần mở cửa trở lại sau 4 tháng phong tỏa nghiêm ngặt.
Ukraine đóng cửa tất cả các trường tiểu học và hạn chế đi lại
Các biện pháp mới chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có việc đóng cửa tất cả các trường tiểu học và hạn chế đi lại tại thủ đô Kiev của Ukraine, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trở lại.
Tháng trước, giới chức Ukraine thông báo sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống tình trạng bùng phát dịch bệnh tại thành phố 3 triệu dân này. Theo đó, những biện pháp chống dịch được siết chặt hơn với việc các trường tiểu học và mẫu giáo sẽ đóng cửa từ ngày 5/4 và chỉ những người lao động thiết yếu như bác sĩ mới được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Phát biểu với kênh truyền hình Ukrayina 24, Thị trưởng thành phố Vitali Klitschko cho biết hệ thống y tế tại thủ đô Kiev đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Hiện các bệnh viện gần như đã kín chỗ khi cứ 7/10 ca mắc COVID-19 ở thủ đô phải nhập viện. Theo ông Klitschko, các quan chức Kiev đã cấp hơn 430.000 thẻ thông hành cho những nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu. Để được phép đi lại và sử dụng các phương tiện công cộng, cảnh sát kiểm tra hành khách và những người có tấm thẻ đặc biệt này mới được phép đi xe buýt và xe điện hay taxi.
Kể từ ngày 20/3, các địa điểm văn hóa và trung tâm mua sắm lớn ở Kiev đã đóng cửa và các nhà hàng hạn chế đồ ăn mang đi.
Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ trong vòng 24 giờ qua, Kiev đã ghi nhận hơn 400 ca mắc mới và 32 ca tử vong do mắc COVID-19. Cho đến nay, Ukraine, quốc gia đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do hệ thống chăm sóc sức khỏe quá "già cỗi" đã ghi nhận trên 1,7 triệu ca nhiễm virus và trên 34.000 ca tử vong.
Chính phủ CH Séc không khuyến nghị gia hạn tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng CH Séc Andrej Babis 4 cho biết chính phủ nước này sẽ không khuyến nghị gia hạn tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng đến hết ngày 11/4 tới để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, lệnh hạn chế đi lại giữa các quận/huyện và lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước tới 5h sáng hôm sau sẽ kết thúc kể từ ngày 12/4.
Trước đó, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, CH Séc đã gia hạn tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3-11/4 để duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có hạn chế đi lại giữa các quận/huyện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Thủ tướng Andrej Babis, sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được xây dựng theo các quy định của Luật đại dịch. Luật này cho phép Bộ Y tế Séc ban hành các biện pháp hạn chế đối với các cửa hàng, dịch vụ, các sự kiện tập trung đông người ở cấp độ địa phương cũng như quốc gia.
Bồ Đào Nha gia hạn đóng cửa biên giới
Do lo ngại tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu, Bồ Đào Nha đã quyết định gia hạn việc đóng cửa biên giới đối với du khách đến ngày 15/4. Tuy nhiên, các cửa khẩu vẫn mở cửa để thông thương hàng hóa, cũng như để phục vụ những người lao động và các dịch vụ cấp cứu.
Biện pháp này được áp đặt từ cuối tháng 1 khi số ca nhiễm mới đạt đỉnh, với khoảng 16.500 ca mỗi ngày, do ảnh hưởng của việc đi lại bằng đường thủy và đường bộ với Tây Ban Nha. Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha nêu rõ lệnh cấm đi lại này, được áp đặt theo thỏa thuận với Tây Ban Nha, không ngăn cấm người dân Bồ Đào Nha trở về nhà, cũng như những người nước ngoài rời khỏi nước này.
Kể từ giữa tháng 3 vừa qua, Bồ Đào Nha đã dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, với việc mở cửa trở lại các bảo tàng, trường trung học cơ sở và các quán cà phê.
Hy Lạp nới lỏng một phần biện pháp phong tỏa
Hy Lạp đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên cả nước, cho phép hầu hết cửa hàng bán lẻ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khách hàng phải đặt chỗ trước khi đến mua sắm tại các cửa hàng và mỗi cửa hàng chỉ được phép tiếp nhận 20 khách hàng trong 3 giờ.
Các cửa hàng bán lẻ tại các khu vực xung quanh thành phố Thessaloniki và Patras sẽ vẫn phải đóng cửa do số ca nhiễm mới tại đây vẫn tăng nhanh, trong khi việc mở cửa lại các trung tâm thương mại cũng sẽ được xem xét lại sau.
Tính đến nay, Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng trên 277.200 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.453 người không qua khỏi.
Thủ tướng Đức dự định phong tỏa nhất quán toàn liên bang
Trong bối cảnh chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức đã tăng gấp đôi trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo sau lễ Phục sinh có thể thực hiện phong tỏa triệt để và nhất quán trên cả nước, được coi là "siêu phong tỏa", bao gồm áp đặt hạn chế đi lại vào ban ngày.
Thủ tướng Merkel cho rằng nhiều bang chưa tuân thủ các biện pháp đã được chính quyền liên bang và các bang nhất trí, trong đó có yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp đối với những bang có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày vượt quá 100/100.000 dân. Bà Merkel đề cập việc sửa đổi Luật Chống lây nhiễm để có thể buộc các bang phải tuân thủ các quy định được Chính phủ liên bang đưa ra, thay vì chỉ khuyến nghị thực hiện như hiện nay. Theo nhà lãnh đạo Đức, việc thực hiện phong tỏa nhất quán toàn liên bang sẽ giúp kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ ba, trong đó những biện pháp "siêu phong tỏa" như đóng cửa triệt để các trường học hay hạn chế đi lại cả ban ngày, có thể được xem xét thực hiện.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện các biện pháp chống dịch nhất quán trên cả nước, Đức cần phải thay đổi quy định trong Luật Chống lây nhiễm.
Châu Mỹ: Mỹ đã tiêm 165 triệu liều vaccine
Là một trong những nước đi đầu thế giới trong công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Mỹ đã thực hiện tiêm chủng hơn 165 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và phân phối gần 208 triệu liệu trên toàn quốc tính đến sáng 4/4 (theo giờ địa phương).
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã công bố số liệu báo cáo trên, phản ánh công tác tiêm chủng nhanh chóng của nước này. Theo đó, đã có 106.214.924 người tại Mỹ đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi số người được tiêm vaccine đủ liều đã lên tới 61.416.536 người.
Theo cơ quan trên, hiện Mỹ sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm vaccine tiêm 2 mũi của Moderna Inc và Pfizer/BioNTech, cùng loại vaccine tiêm 1 mũi của Johnson & Johnson. Cơ quan này cho biết thêm, có 7.742.126 liều vaccine được tiêm chủng cho những người đang lưu trú tại các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn.