Ấn Độ - Nga phát triển tên lửa siêu thanh siêu nhanh

BrahMos-1 có thể đạt tốc độ gấp 2,8-3 lần vận tốc âm thanh, khiến nó hầu như không thể bị đánh chặn bởi một số hệ thống phòng không hiện nay. Trong khi đó, BrahMos-2 đang được phát triển sẽ có tốc độ gấp từ 5-7 lần vận tốc âm thanh, trở thành loại tên lửa siêu thanh có tốc độ nhanh nhất thế giới.


Ấn Độ và Nga hiện đang đàm phán về việc phát triển chung thế hệ tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos mới và sẽ sớm đạt được nhất trí về dự án này.

Tên lửa BrahMos thế hệ đầu đã được Ấn Độ nhiều lần thử thành công. Ảnh Internet.


Thông tin trên được Giám đốc chương trình tên lửa hành trình BrahMos, Praveen Pathak, cho biết tại triển lãm quân sự Defexco đang diễn ra tại Niu Đêli, Ấn Độ.

Tên gọi của tên lửa hành trình siêu thanh “BrahMos” xuất phát từ tên của hai con sông: sông Brahmaputra ở Ấn Độ và sông Moscow ở Nga. Loại tên lửa này thường tấn công mục tiêu theo kiểu bổ nhào từ trên cao xuống chứ không tấn công ngang như các loại tên lửa hành trình thông thường khác.

Dự án nghiên cứu, chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh “BrahMos” giữa Nga và Ấn Độ được bắt đầu từ năm 1998 và đến năm 2001 đã bắt đầu tiến hành đợt phóng thử nghiệm đầu tiên tại bãi thử của Ấn Độ.

BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất. Với tốc độ cao, BrahMos dễ dàng xuyên phá mục tiêu hơn các loại tên lửa hạng nhẹ bay dưới tốc độ âm thanh khác như tên lửa Tomahawk. 

Nhờ trọng lượng gấp đôi và nhanh hơn bốn lần tên lửa Tomahawk, lực tác động của BrahMos mạnh hơn 32 lần tên lửa Tomahawk khi đâm vào mục tiêu. Tuy nhiên, BrahMos sử dụng đầu đạn nặng chỉ bằng 3/5 tên lửa Tomahawk, tầm bay lại ngắn hơn nhiều nên chỉ thích hợp trong tác chiến nhanh và gần.

BrahMos là một trong những vũ khí có năng lực nhất ở dòng tên lửa có tầm bắn tương đương (tới 290km), tốc độ cao (lên tới gấp 3 lần vận tốc âm thanh) và đầu đạn nặng (tới 250kg). Độ cao của nó khi bay cũng có thể xuống chỉ còn 10 mét và cao lên tới 14.000 mét.

BrahMos-1 có thể đạt tốc độ gấp 2,8-3 lần vận tốc âm thanh, khiến nó hầu như không thể bị đánh chặn bởi một số hệ thống phòng không hiện nay. Trong khi đó, BrahMos-2 đang được phát triển sẽ có tốc độ gấp từ 5-7 lần vận tốc âm thanh, gấp 2 lần BrahMos-1, khiến nó sẽ trở thành loại tên lửa siêu thanh có tốc độ nhanh nhất thế giới.

Theo ông Pathak, loại tên lửa mới sẽ không khác nhiều so với thế hệ tên lửa BrahMos hiện tại về trọng lượng và kích thước, vì vậy, nó vẫn có thể được lắp ghép với các bệ phóng sẵn có trên tàu và xe phóng di động.

Đầu tháng 3/2012, Ấn Độ đã thử một quả tên lửa BrahMos-1 phóng từ mặt đất. “Nó đã bay với tầm bắn tối đa 290km, và giai đoạn cuối cùng của hành trình đã thực hiện đường đi bổ nhào từ trên không, một kiểu tấn công rất quan trọng đối với các mục tiêu ở vùng núi”, ông Pathak cho biết.

Theo quan chức này, Ấn Độ sẽ tiến hành vụ phóng thử đầu tiên từ trên không của loại tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos vào cuối năm nay. Những nghiên cứu và chế tạo tên lửa BrahMos phóng từ trên không nhằm lắp đặt cho máy bay tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ hiện đang được không quân nước này tiến hành và một số máy bay chiến đấu cũng đã được cải tiến để có thể mang theo loại vũ khí mới này.


Thu Hằng

Nga ngừng sử dụng tên lửa đẩy Proton-K
Nga ngừng sử dụng tên lửa đẩy Proton-K

Lực lượng Phòng thủ Không gian Vũ trụ Nga (ADF) ngày 30/3 thông báo nước này đã phóng tên lửa đẩy Proton-K mang theo một vệ tinh quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN