Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong số những người được tiêm chủng trong ngày 5/7, có 1.830.741 người ở độ tuổi 18-45 được tiêm liều đầu tiên, trong khi 140.368 người được tiêm liều thứ hai. Kể từ khi bắt đầu giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng đến nay, có 102.596.048 người trên cả nước đã được tiêm liều đầu tiên và 2.919.735 người đã được tiêm liều thứ hai. Tám bang là Uttar Pradesh, Madhya Pradesh, Rajasthan, Tamil Nadu, Bihar, Gujarat, Karnataka và Maharashtra đã tiêm hơn 5 triệu liều đầu tiên cho nhóm tuổi 18-45. Ngoài ra, các bang Andhra Pradesh, Assam, Chhattisgarh, Delhi, Haryana, Jharkhand, Kerala, Telangana, Himachal Pradesh, Odisha, Punjab, Uttarakhand và Tây Bengal đã tiêm liều đầu tiên cho hơn 1 triệu người thuộc nhóm tuổi trên.
Ấn Độ triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ở tất cả các bang, vùng lãnh thổ trên toàn quốc trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ngày 5/7 tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp ứng dụng phần mềm quản lý tiêm chủng (CoWIN) phiên bản Ấn Độ cho tất cả các nước trên thế giới nhằm quản lý, kiểm soát và triển khai ứng dụng kỹ thuật số trong quá trình tiêm chủng cho người dân một cách chặt chẽ, khoa học và minh bạch.
Về tình hình dịch bệnh, ngày 6/7, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này có thêm 34.703 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày thấp nhất trong 111 ngày qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 30.619.932 ca. Hiện số trường hợp còn đang mắc bệnh ở Ấn Độ giảm xuống 464.357 ca, đây là mức thấp nhất trong 101 ngày. Tổng số trường hợp hồi phục đạt 29.752.294 ca sau khi có thêm 51.864 người đã khỏi bệnh trong 24 giờ qua. Tỷ lệ hồi phục tăng lên 97,17%. Cùng ngày, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 553 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại Ấn Độ lên 403.281 ca.
Theo một phân tích dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ nhằm xác định chính xác số ca tử vong vì COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh thứ hai tại nước này, tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức cao 3%, sau khi ghi nhận số ca bệnh cao kỷ lục vào đầu tháng 5. Tỷ lệ tử vong trong tháng 6 cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1,26% ghi nhận vào tháng 10/2020, tháng đầu tiên sau đỉnh dịch của làn sóng dịch bệnh thứ nhất tại Ấn Độ.
Trong khi đó, ở quốc gia láng giềng Bangladesh, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 6/7 cho rằng cần hành động khẩn cấp để tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cũng như nguồn cung oxy khi mà các bệnh viện tại nước này đang rơi vào tình trạng quá tải do số ca bệnh tăng vọt.
Theo IFRC, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao đang lây lan nhanh tại khu vực thành thị cũng như nông thôn ở Bangladesh, gây ra hàng trăm ca tử vong mỗi tuần. Đặc biệt, các bệnh viện tại những khu vực biên giới giáp với Ấn Độ đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong mới tăng mạnh. Tại thủ đô Dhaka, khoảng 78% ca bệnh là do nhiễm biến thể Delta. Hiện lực lượng IFRC tại Bangladesh đang nỗ lực hỗ trợ nước này ứng phó với dịch bệnh nhằm giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, trong đó có cung cấp xe cứu thương miễn phí 24/24 và bình oxy, đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người bị mất việc làm hoặc thu nhập vì dịch bệnh.
Người đứng đầu phái đoàn IFRC tại Bangladesh Sanjeev Kafely cho rằng dịch bệnh đang tác động tàn khốc đến hàng triệu người ở quốc gia Nam Á này, trong đó nhiều người bị mất việc làm và sinh kế. Tiêm chủng đại trà là "chìa khóa" để chấm dứt các ca nhiễm mới, tử vong cũng như những khó khăn do dịch bệnh gây ra tại Bangladesh và ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo quan chức này, điều quan trọng là những nước giàu có hơn cần chia sẻ vaccine cho Bangladesh trong thời gian tới.
Theo cơ quan y tế Bangladesh, ngày 5/7, nước này ghi nhận thêm 9.964 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 164 ca tử vong. Số liệu của Đại học Oxford cho thấy đến nay, tại Bangladesh mới chỉ có khoảng 3% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lên đến một nửa dân số ở những nước như Anh và Mỹ.