Algeria với tương lai bất định

Đất nước Algeria đang trải qua thời kỳ chuyển tiếp đầy biến động sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tuyên bố từ chức ngày 2/4.

Chú thích ảnh
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika phát biểu trước Quốc hội Nam Phi ở Cape Town ngày 16/10/2001. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Hiến pháp, một cuộc bầu cử tổng thống mới dự kiến sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian 90 ngày tới, tiếp đó là thành lập chính phủ và có thể cả sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, tương lai của đất nước vùng Bắc Phi này vẫn bất định khi những diễn biến phức tạp và dồn dập vừa qua chưa rõ có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay hay không. 

Quyết định từ chức của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, đã kết thúc hai thập niên cầm quyền với 4 nhiệm kỳ liên tiếp (1999-2019) của nhân vật từng được nhân dân Algeria tôn vinh là "anh hùng dân tộc" bởi những đóng góp to lớn của ông đối với quốc gia này.

Tổng thống Abdelaziz Bouteflika là người có công lớn trong việc đưa đất nước Algeria thoát khỏi cơn ác mộng của thập niên xung đột nội chiến 1992-2002, cũng như đã lèo lái "con thuyền Algeria" thoát khỏi làn sóng chính biến "Mùa xuân Arab" từng tàn phá nhiều quốc gia Bắc Phi láng giềng như Ai Cập hay Tunisia.

Dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước Bắc Phi này cũng đã có thời kỳ phát triển thịnh vượng thời hậu nội chiến khi tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức cao, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Sự tín nhiệm của người dân đã giúp ông chiến thắng trong 4 lần bầu cử liên tiếp ngay tại vòng đầu tiên, với số phiếu ủng hộ trung bình khoảng 80%.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, những dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện tại Algeria, trong bối cảnh tình hình sức khỏe của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika ngày càng suy yếu sau cơn đột quỵ năm 2013, khiến ông hầu như không thể xuất hiện và được cho là không thể điều hành đất nước. Algeria dần dần rơi vào tình trạng trì trệ và người dân bắt đầu mất lòng tin vào bộ máy chính quyền khi nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng vi hiến, vi phạm các quy định pháp luật ngày càng nghiêm trọng…

Trong khi đó, nền kinh tế Algeria phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi giá dầu thế giới giảm "không phanh" vào cuối năm 2014 và nhiều năm tiếp theo, khiến nền kinh tế trong nước, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu (chiếm khoảng 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của Algeria trong năm 2018), khó khăn càng thêm chồng chất. Việc quá chậm trễ trong đa dạng hóa nền kinh tế, tình trạng chi tiêu quá lớn và không bền vững trong suốt một thập niên trước đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ cuối 2014 đến nay, tỷ trọng dự trữ ngoại hối của Algeria liên tục giảm mạnh. Nếu tháng 12/2014, dự trữ ngoại hối ở mức 179,93 tỷ USD thì 3 năm sau, con số này chỉ còn 97 tỷ USD và cuối năm 2018 tiếp tục giảm xuống 85,2 tỷ USD, bởi Chính phủ Algeria buộc phải dùng đến nguồn dự trữ của đất nước để cung cấp cho các nhu cầu chính (trị giá khoảng 40 tỷ USD/năm). Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt trong giới trẻ (gần 30%); tình hình chính trị, an ninh không được bảo đảm và nạn khủng bố gia tăng;... càng tạo nên tâm lý bất mãn của người dân, nhất là trong bộ phận người dưới 40 tuổi, vốn chiếm tới 70% dân số Algeria.

Mặc dù chính phủ của Tổng thống Bouteflika cũng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để ổn định tình hình chính trị, an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, song hầu như không có bước cải thiện, đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới các nhóm lợi ích thâu tóm quyền lực, đục khoét ngân sách, các quan chức lạm quyền...

Tất cả những yếu tố đó khiến chính trường Algeria rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Làn sóng biểu tình bùng phát hơn 1 tháng qua phản đối chính quyền có nguyên nhân bắt nguồn từ sự mất lòng tin và bất mãn vốn đã âm ỉ trong lòng người dân Algeria thời gian qua. Từ chỗ biểu tình phản đối Tổng thống Bouteflika tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ năm trong tình trạng sức khỏe không được đảm bảo, phong trào phản đối này đang có dấu hiệu lớn mạnh về quy mô, số lượng và cả thành phần tham gia, đòi có những thay đổi triệt để trong hệ thống chính quyền cũng như những cải cách lớn trong nước.

Việc Tổng thống Bouteflika từ chức về mặt lý thuyết đã đưa Algeria bước sang một ngã rẽ mới, song, không có gì đảm bảo ngã rẽ này có thể đưa đất nước Bắc Phi thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng hiện nay. Hiện Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Abdelkader Bensalah, người đang tạm thời giữ chức tổng thống theo quy định của Hiến pháp, sẽ có tối đa 90 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống và trao quyền cho người đứng đầu nhà nước đắc cử.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại việc tổ chức cuộc bầu cử này đúng thời hạn như quy định của Hiến pháp là không dễ dàng. Đối với các đảng đối lập, vốn nhiều năm qua hầu như không có vai trò nào trong hệ thống chính trị Algeria, khoảng thời gian này quá ngắn để kịp chuẩn bị, và như vậy, các chính đảng ủng hộ Tổng thống Bouteflika, như đảng cầm quyền Mặt trận Giải phóng quốc gia (FLN) hiện nay với một guồng máy được chuẩn bị tốt hơn, sẽ có khả năng cao giành thắng lợi.

Trong khi đó, hiện một trong những yêu sách của người biểu tình là "thay đổi triệt để hệ thống chính quyền", thay thế toàn bộ những nhân vật được cho là thân tín của cựu Tổng thống Bouteflika. Khi đó, kết quả bầu cử lại không đúng với yêu cầu của phong trào biểu tình và làn sóng phản kháng đường phố có thể tái diễn để duy trì sức ép đòi hỏi cải cách. 

Bên cạnh đó, quân đội được cho đã và sẽ giữ "vai trò then chốt" trong tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Algeria. Lúc đầu, khi các cuộc biểu tình mới nổ ra, quân đội luôn tỏ thái độ trung lập, tuyên bố đảm bảo an ninh và chính trị cho đất nước.

Tuy nhiên, sau đó, quân đội đã có những động thái được đánh giá là "can thiệp", khi Tướng Ahmed Gaïd Salah, Tham mưu trưởng quân đội đề xuất giải pháp "yêu cầu tổng thống phải tuyên bố không thực thi quyền lực theo Hiến pháp hoặc phải từ chức", đồng thời ngày 2/4, chính vị tướng này yêu cầu áp dụng ngay lập tức tiến trình luận tội tổng thống theo Hiến pháp để loại bỏ ông Bouteflika.

Việc Tổng thống Bouteflika đệ đơn từ chức được xem là do áp lực trên của quân đội. Trong khi giới tướng lĩnh quân đội nói rằng họ muốn tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc và khủng hoảng trên chính trường do làn sóng biểu tình trên đường phố, một số ý kiến đánh giá động thái của quân đội thực chất là "ý đồ" tiếm quyền được che giấu. 

Không chỉ có vậy, giới phân tích lưu ý điều gây quan ngại nhất trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần là các diễn biến nội bộ, mà là sự đấu đá của các thế lực bên ngoài để lợi dụng cuộc biểu tình và can thiệp bằng biện pháp khẩn cấp vào quốc gia Bắc Phi. Theo một số báo cáo, lực lượng đứng đằng sau phong trào phản kháng không chỉ là các nhà hoạt động Algeria ở nước ngoài, và còn có "bàn tay" của "một số quốc gia" vốn "tức giận" với các nhà lãnh đạo Algeria bởi chính sách đối ngoại độc lập của nước này.

Cục diện phức tạp hiện nay tại Algeria khiến mọi kịch bản đều được đặt ra. Các cuộc biểu tình đường phố vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới, và nếu các cuộc biểu tình ôn hòa hiện nay bỗng trở thành bạo lực, khi ấy "bàn tay sắt" của quân đội sẽ can thiệp. Thậm chí, cuộc bầu cử trong thời gian chuyển tiếp cũng chưa chắc chắn, hoặc cũng có thể bị tẩy chay. Chính trường Algeria sẽ ra sao, đó vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Tấn Đạt (TTXVN)
Hội đồng Hiến pháp Algeria chấp thuận đơn từ chức của Tổng thống Bouteflika
Hội đồng Hiến pháp Algeria chấp thuận đơn từ chức của Tổng thống Bouteflika

Đài truyền hình nhà nước Algeria ngày 3/4 đưa tin Hội đồng Hiến pháp nước này đã chính thức chấp thuận đơn từ chức của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, một ngày sau khi chính trị gia 82 tuổi tuyên bố từ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN