Trong tuyên bố, tổ chức trên cho biết hàng viện trợ, được chuyển chở bằng 8 máy bay quân sự, sẽ khởi hành từ sân bay quân sự Boufarik, cách thủ đô Algiers khoảng 30 km về phía Tây Nam. Dự kiến chuyến bay chở hàng viện trợ sẽ đáp tại sân bay Al Arish ở Ai Cập, trước khi được vận chuyển đến thành phố Rafah ở phía Nam Gaza.
Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã phối hợp với Ai Cập tăng cường nỗ lực cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, trong bối cảnh đang diễn ra tháng lễ Ramadan thiêng liêng của người Hồi giáo.
Hãng thông tấn WAM của UAE đưa tin quân đội nước này đã thực hiện đợt thả viện trợ thứ 13, mang theo 24 tấn thực phẩm và hàng cứu trợ xuống các khu vực khó tiếp cận ở phía Bắc Dải Gaza. Ngoài ra, tàu viện trợ thứ ba của UAE đã khởi hành đến thành phố Al Arish, mang theo 4.630 tấn hàng viện trợ nhân đạo.
Cũng trong ngày 24/3, hãng thông tấn Petra của Jordan cho biết Không quân Hoàng gia nước này đã tiến hành 6 đợt thả viện trợ nhân đạo xuống miền Bắc Dải Gaza. Quân đội và tổ chức từ thiện Hashemite Jordan cũng đã gửi 25 xe viện trợ tới khu vực.
Quân đội Jordan cũng liên tục nhắc lại cam kết duy trì các nỗ lực viện trợ từ sân bay Marka ở thủ đô Amman đến sân bay quốc tế El Arish ở Bắc Sinai của Ai Cập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thả viện trợ xuống Gaza và tổ chức các đoàn xe cứu trợ bằng đường bộ.
Theo báo cáo do Cơ quan phân loại tình trạng an ninh lương thực tích hợp (IPC) công bố hôm 18/3, nạn đói xảy ra ở phía Bắc Dải Gaza khiến toàn bộ người dân tại khu vực đang phải đối mặt với mức độ khủng hoảng tồi tệ về an ninh lương thực.
Báo cáo cho biết 1,1 triệu người ở Gaza - tương đương một nửa dân số của khu vực - đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn cung lương thực cũng như khả năng ứng phó, và đang phải vật lộn với nạn đói thảm khốc (IPC Giai đoạn 5).
IPC cho biết đây cũng là số lượng người lớn nhất phải đối mặt với nạn đói thảm khốc từng được ghi nhận, cao gấp đôi so với 3 tháng trước.