Phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra ở thủ đô Algiers ngày 29/8, Ngoại trưởng Attaf nhấn mạnh, giải pháp trên do Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đề xuất, tập trung vào việc tham vấn giữa các bên liên quan tại Niger.
Theo Ngoại trưởng Attaf, mục tiêu ưu tiên là thiết lập một khung thời gian kéo dài 6 tháng để dự thảo và thực hiện một giải pháp chính trị đảm bảo nhằm đưa quốc gia Tây Phi này quay trở lại trật tự hiến pháp và dân chủ, thay vì kế hoạch chuyển tiếp trong vòng ba năm mà phe đảo chính đưa ra trước đó. Ông Attaf cũng lưu ý rằng tiến trình này sẽ bao gồm những thỏa thuận chính trị toàn diện để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng tại Niger dưới sự giám sát của một cơ quan dân sự được hỗ trợ thông qua đồng thuận, đồng thời cho biết thêm rằng kế hoạch của Tổng thống Tebboune cũng bao gồm việc tổ chức một hội thảo quốc tế để gây quỹ cho các chương trình phát triển của khu vực Sahel.
Theo hãng tin Reuters, sau chuyến thăm các quốc gia châu Phi gần đây, Ngoại trưởng Attaf cho biết "hầu hết các quốc gia mà chúng tôi đã nói chuyện đều phản đối việc can thiệp quân sự để chấm dứt khủng hoảng".
Tuần trước, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Tây Phi thuộc khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã gặp nhau tại Ghana để thảo luận về khả năng triển khai can thiệp quân sự vào Niger sau khi các thành viên lực lượng cận vệ tổng thống của nước này lên nắm quyền vào tháng trước và thành lập chính quyền quân sự.
Algeria đã nhiều lần tuyên bố phản đối hành động can thiệp quân sự đối với quốc gia láng giềng, với những bài học trước đây xảy ra đối với Libya khi NATO hành động trong cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi.
Theo Ngoại trưởng Attaf, các quan chức Algeria đã có 3 lần đối thoại với lãnh đạo quân đội Niger – người muốn giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi này sẽ không kéo dài quá 3 năm.
Ngày 19/8, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani cam kết giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi này sẽ không kéo dài quá 3 năm, đồng thời cảnh báo các nước bên ngoài không thực hiện việc can thiệp quân sự vào tình hình Niger. Tướng Tiani cũng tuyên bố khởi động "cuộc đối thoại quốc gia" trong vòng 30 ngày tới để đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm đặt "nền tảng cho hiến pháp mới".
Về phần mình, Ủy viên chính trị và an ninh ECOWAS Abdel-Fatau Musah tuyên bố không chấp nhận việc lãnh đạo chính quyền quân sự Niger cam kết giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi này sẽ kéo dài trong 3 năm. Ông này nhấn mạnh ECOWAS muốn lập lại trật tự hiến pháp tại Niger sớm nhất có thể.
ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Niger sau cuộc đảo chính hồi cuối tháng 7 vừa qua, phong tỏa các giao dịch tài chính và cắt nguồn cung cấp điện cho Niger, đồng thời đóng cửa biên giới với quốc gia không giáp biển này, khiến việc tiếp cận các mặt hàng thiết yếu vô cùng khó khăn với một trong những nước nghèo nhất thế giới này.