Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Aboul-Gheit nhấn mạnh rằng bước đi trên sẽ cho phép cộng đồng quốc tế và các nước Arab tham gia hiệu quả vào quá trình “giải cứu Liban”.
Liban đã không có nội các chính phủ từ ngày 10/8/2020 khi Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab từ chức sau các vụ nổ ở cảng Beirut làm hơn 200 người chết và hàng nghìn người bị thương. Ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm Thủ tướng từ ngày 22/10/2020, nhưng đã không thành lập được nội các mới do những bất đồng với Tổng thống Michel Aoun về danh sách thành viên. Sau đó, ông Najib Mikati được yêu cầu đứng ra thành lập chính phủ. |
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên kênh truyền hình Al Hadath ngày 28/8, ông Mikati cho biết ông vẫn phải vượt qua những trở ngại lớn để thành lập một chính phủ mới, trong bối cảnh Liban đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử.
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hai năm qua tại Liban đã lên đến đỉnh điểm trong tháng này khi tình trạng thiếu nhiên liệu đã làm tê liệt hầu hết các khu vực trên cả nước, dẫn đến tình trạng hỗn loạn cũng như nhiều sự cố an ninh. Đồng nội tệ của Liban mất giá hơn 90%, đẩy hơn một nửa dân số rơi vào cảnh nghèo đói và khiến người gửi tiền không thể tiếp cận tài khoản của họ tại ngân hàng. Ngân hàng Thế giới (WB) gọi đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.
Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ Liban hàng trăm triệu USD nhưng với điều kiện các chính trị gia nước này phải thành lập một bộ máy nội các có thể tiến hành cải cách, giải quyết vấn nạn tham nhũng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị đang chia rẽ ở Liban vẫn chưa thể nhất trí về một nội các mới kể từ khi nội các cũ từ chức.