Ông Dujarric nhấn mạnh điều này là cần thiết để "cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho người dân cũng như mang lại công lý và thúc đẩy một tiến trình cải cách đầy tham vọng và có ý nghĩa nhằm giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản, khôi phục sự ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và thắp sáng niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn".
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hai năm qua tại Liban đã đạt đến đỉnh điểm trong tháng này khi tình trạng thiếu nhiên liệu đã làm tê liệt hầu hết các khu vực trên cả nước, dẫn đến tình trạng hỗn loạn cũng như nhiều sự cố an ninh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính đã khiến đồng nội tệ của Liban mất giá hơn 90%, đẩy hơn một nửa dân số Liban rơi vào cảnh nghèo đói và khiến người gửi tiền không thể tiếp cận tài khoản của họ tại ngân hàng. Ngân hàng Thế giới (WB) đã miêu tả tình hình hiện nay ở Liban là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới thời hiện đại.
Cùng ngày, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Beirut Ralph Tarraf cho biết, đại diện EU cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình ngày càng xấu đi nhanh chóng của cuộc khủng hoảng tại Liban, đồng thời nói rằng thời gian để hành động đã hết và hối thúc các nhà lãnh đạo chính trị tại quốc gia Trung Đông này thành lập chính phủ.
Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Liban Michel Aoun, Đại sứ EU tại Liban - ông Ralph Tarraf đã truyền tải thông điệp từ Đại diện đặc biệt của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, trong đó nêu rõ: “Chúng tôi hết sức quan ngại về tốc độ xấu đi nhanh chóng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, an ninh và xã hội”.
Ông Tarraf cho biết EU sẽ tiếp tục viện trợ cho người dân Liban, song giới lãnh đạo của quốc gia Trung Đông này cần có trách nhiệm. Theo Đại sứ EU, Brussels sẽ tăng viện trợ khi chính phủ mới được thành lập.
Liban đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế - tài chính hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của nước này. Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mì, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong những tháng qua. Ngân hàng Thế giới (WB) đã gọi đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2021, WB đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Liban là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.
Trước những khó khăn kinh tế hiện nay và tình trạng bế tắc chính trị dẫn tới việc chính phủ mới chưa được thành lập đang đe dọa các điều kiện kinh tế-xã hội vốn đã rất tồi tệ tại Liban, WB ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của quốc gia này năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong năm 2019. Trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.
Theo đánh giá của giới phân tích, Liban hiện rất cần một gói cứu trợ quốc tế rộng lớn, song để nhận được gói giải cứu tài chính này, Beirut cần phải tiến hành các cuộc cải cách kinh tế sâu rộng và giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng.