Taliban và Liên minh phương Bắc đạt thỏa thuận không tấn công lẫn nhau

Ngày 26/8, trong một động thái mở ra hy vọng tránh nguy cơ xung đột tại Afghanistan, phong trào Hồi giáo Taliban và lực lượng kháng chiến Liên minh phương Bắc đã nhất trí tránh các hành động quân sự và tấn công lẫn nhau.

Chú thích ảnh
Chiến sự tại Afghanistan vẫn chưa kết thúc sau khi Taliban kiểm soát Kabul. 

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn nguồn tin của kênh truyền hình tiếng Anh Geo TV cho biết Taliban và Liên minh phương Bắc (tên đầy đủ là Mặt trận Thống nhất Cứu quốc Afghanistan – UFSA) đã nhất trí không có những hành động quân sự và tấn công nhằm vào nhau.

Tuyên bố chính thức sẽ được cả hai phía công bố tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày.

Thỏa thuận này được đánh giá là tín hiệu tích cực trong việc ngăn chặn các cuộc đụng độ tiềm tàng giữa lực lượng ủng hộ của hai phe tại tỉnh Panjshir, khu vực duy nhất của Afghanistan hiện chưa nằm dưới sự kiểm soát của Taliban.

Theo nguồn tin trên, cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn của Taliban và Liên minh phương Bắc diễn ra trong hai ngày qua ở khu vực Charikar của tỉnh Parwan.

Trong khi đó, truyền thông Nga cùng ngày đưa tin cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia Afghanistan Abdullah Abdullah đang bị quản thúc tại gia. Theo CNN, các thành viên Taliban đã khám xét nhà của ông Abdullah ngày 2/8.

Thông tin này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Taliban thông báo đang nỗ lực hoàn thành việc thành lập một hội đồng 12 thành viên để lãnh đạo đất nước Afghanistan. Điều đặc biệt, trong số 7/12 thành viên đã đồng ý tham gia có ông Karzai và ông Abdullah.   

Một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo phong trào Taliban cho biết Afghanistan sẽ thành lập một hội đồng gồm 12 thành viên để lãnh đạo đất nước. Theo đài Sputnik, tới nay đã có 7 ứng cử viên đồng ý tham gia hội đồng này, trong đó có cựu Tổng thống Karzai, người đứng đầu HCNR Abdullah và Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh và là một thành viên sáng lập Taliban. Tin cho biết thêm các cuộc thảo luận đang diễn ra khẩn trương để chỉ định 5 thành viên còn lại. 

Trước đó, Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói rằng chiến tranh không phải là giải pháp, nhưng nếu các lực lượng tại Panjshir lựa chọn phương án này, lực lượng Taliban sẽ phong tỏa mọi ngả đường vào thung  lũng Panjshir. Tuy nhiên, Taliban không muốn tình hình leo thang căng thẳng và cam kết đảm bảo an toàn cho người dân Panjshir cũng như những người làm việc cho chính quyền cũ.

Người phát ngôn Văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar, ông Sohail Shahin tuyên bố ảnh hưởng của Nga có thể giúp giải quyết tình hình ở Panjshir ở miền Bắc Afghanistan, thành trì cuối cùng không nằm trong tay Taliban. Trả lời câu hỏi về việc liệu Taliban có đề nghị Đại sứ Nga tại Kabul Dmitry Zhirnov làm trung gian để đàm phán với phong trào phản kháng Taliban ở Panjshir hay không, ông Shahin nói: "Tôi nghĩ điều này sẽ được thảo luận với việc sử dụng ảnh hưởng của LB Nga. Phía Nga có thể đóng góp vào nền hòa bình ở Afghanistan, vai trò của Nga luôn được chào đón và đánh giá cao".

Cùng ngày 24/8, tờ Paris Match cho biết thủ lĩnh của phong trào kháng chiến chống Taliban Ahmad Massoud tại tỉnh Panjshir tuyên bố không chấp nhận đầu hàng, nhưng sẽ để ngỏ khả năng đàm phán với nhà cầm quyền mới của Afghanistan. Ông cũng cho biết đã đề ra những điểm chính của một thỏa thuận khả thi.

Ahmad Massoud là con trai của ông Ahmad Shah Massoud - một nhân vật nổi tiếng đứng đầu lực lượng chống Taliban tại Afghanistan trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Dưới sự chỉ huy của ông, thung lũng Panjshir trở thành vùng đất không thể khuất phục trước các thế lực nước ngoài hay lực lượng đối lập bên trong Afghanistan.  Shah Massoud bị mạng lưới khủng bố quốc tế ám sát hai ngày trước khi xảy ra các vụ tấn công 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ.

Panjshir có vị trí địa lý hết sức đặc biệt ở miền Bắc Afghanistan, nằm bên rìa dãy Himalaya, giống như một pháo đài tự nhiên. Taliban thông báo đã bao vây, nhưng chưa có dấu hiệu phát động chiến dịch quân sự tại khu vực này.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Nga tuyên bố chưa công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp của Afghanistan
Nga tuyên bố chưa công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp của Afghanistan

Ngày 26/8, Điện Kremlin tuyên bố Nga chưa công nhận Taliban là nhà cầm quyền hợp pháp tại của Afghanistan, dù lực lượng này đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ quốc gia Trung Nam Á trên thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN