Ai sẽ là tổng thống nhiệm kỳ tới ở Venezuela?

Chỉ còn không đầy hai tuần nữa, gần 19 triệu cử tri Venezuela sẽ đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước để bầu vị tổng thống nhiệm kỳ 2013-2019. Trong số 6 ứng cử viên đăng ký tranh cử, hai gương mặt có nhiều triển vọng trở thành chủ nhân tương lai của dinh thự Miraflores là đương kim Tổng thống Hugo Chavez và đối thủ Henrique Capriles, đại diện cho liên minh đối lập theo tư tưởng cánh hữu.


Theo nhận định của giới quan sát và kết quả các cuộc thăm dò gần đây, đương kim Tổng thống Chavez là người đang dẫn điểm và có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào ngày 7/10 tới.


Tổng thống Hugo Chavez (trái) và ứng cử viên đối lập Henrique Capriles. Ảnh: AFP/ TTXVN


Sau hơn một năm chữa trị căn bệnh ung thư, ứng cử viên Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV), ông Chavez, người luôn có ý tưởng đưa cuộc Cách mạng Bolivar (nhà anh hùng giải phóng Simon Bolivia) đi theo con đường xây dựng “Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21” ở Venezuela, bước vào cuộc chiến quyết định nhằm tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ ba.


Là người có trình độ học vấn, tài hùng biện và có sức lôi cuốn quần chúng trong mọi hoàn cảnh, ông Chavez hiện được xem là ứng cử viên chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông được cả thế giới biết đến với khả năng diễn thuyết hàng tiếng đồng hồ, bằng lời lẽ hùng biện nảy lửa, đôi khi pha chút hài hước của một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm.


Nhìn lại quá khứ, có thể nói hai bước ngoặt hết sức quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông Chavez là những cuộc đảo chính bất thành diễn ra tại Venezuela trong hai thập kỷ qua.


Cuộc binh biến đầu tiên, do Hugo Chavez "thủ vai" chính năm 1992 khi ông còn là một sỹ quan quân đội, đã thất bại. Ông bị bắt và bị tống giam, nhưng cũng chính sự kiện này đã tạo cho Chavez cơ hội sau này trở thành nhân vật nổi tiếng, khi người ta cho phép ông phát biểu trên truyền hình để kêu gọi đồng đội hạ vũ khí. Trong bài phát biểu, ông Chavez tự nhận hết trách nhiệm về mình vì những biến cố xảy ra, một điều hết sức bất ngờ và chưa từng có trên chính trường trong nước.


Sáu năm sau đó, con người từng mang ý định lật đổ thể chế mà ông lên án là chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản và giới chủ giàu có, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1998.


Một sự kiện nữa là cuộc đảo chính của phe đối lập xảy ra vào năm 2002, khiến Tổng thống Chavez phải rời ghế quyền lực trong thời gian 48 tiếng đồng hồ, nhưng sau đó được phục chức nhờ cuộc nổi dậy của quần chúng và sự hậu thuẫn của một số tướng lĩnh trong quân đội. Và cũng từ đấy, những bài diễn thuyết của ông bắt đầu bớt đi sự mềm mỏng mang tính hòa giải, thay vào đó là những lời lẽ lên án gay gắt và ý thức cảnh giác cao độ trước mọi âm mưu phá hoại và lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đối với các thành quả của Cách mạng Bolivar, với chính quyền nhân dân non trẻ và mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Venezuela.


Căn bệnh ung thư của Tổng thống Chavez trong thời gian qua đã trở thành chủ đề gây chú ý trong dư luận và giới truyền thông. Đặc biệt, sau những lần ông bay sang Cuba để phẫu thuật tách bỏ khối u hoặc trị xạ theo phác đồ của các bác sĩ, dư luận lại rộ lên những đồn đoán về tình trạng sức khỏe, thậm chí người ta còn nói về khả năng xấu nhất có thể xảy ra đối với ông.


Những người luôn ủng hộ và đi theo con đường của ông Chavez thì quan tâm, lo lắng cho tương lai của đất nước Venezuela, cho cuộc sống của hàng triệu người dân lao động đã và đang được hưởng những thành quả bước đầu của một loạt chương trình phúc lợi xã hội mà chính ông đang theo đuổi, như chương trình phát triển nông nghiệp, giáo dục, y tế, hoặc các dự án xây dựng nhà ở miễn phí cho người nghèo...


Ngược lại, phe đối lập và những người bất đồng quan điểm với ông Chavez thì khấp khởi hy vọng về khả năng đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử. Một trong số đó là Henrique Capriles, ứng cử viên 40 tuổi của Liên minh đối lập.


Sinh ra trong một gia đình giàu có tại thủ đô Caracát, Capriles tự nhận mình là một chính khách mang tư tưởng cấp tiến và là người hết sức hâm mộ đường lối của cựu Tổng thống Braxin Lula da Silva.


Mặc dù còn trẻ nhưng Henrique Capriles có cả một bề dày kinh nghiệm chính trị. Năm 1999, ông được bầu là nghị sĩ khi mới 25 tuổi. Trên cương vị này, Capriles nhanh chóng trở thành vị Chủ tịch trẻ nhất của Hạ viện và tiếp đó là Phó Chủ tịch Thượng viện Venezuela. Trong giai đoạn từ năm 2000-2008, Capriles lần lượt giữ chức Quận trưởng Quận Baruta và Thống đốc bang Miranda cho đến khi trở thành ứng cử viên chính thức của phe đối lập cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.


Hugo Chavez và Henrique Capriles là hai mặt khác nhau của một đồng xu trong cuộc đua giành chức tổng thống. Mọi con mắt đang hướng về ngày 7/10, với những dự đoán nhiều khi sai lệch do sự thiên vị của mỗi người đối với từng ứng cử viên.


Mặc dù kết quả các cuộc thăm dò dư luận từ trước đến nay đều ghi nhận đương kim Tổng thống Hugo Chavez chiếm ưu thế trước ứng cử viên phe đối lập Henrique Capriles, nhưng quyết định cuối cùng sẽ được định đoạt bằng lá phiếu của các cử tri.



Hà Thu Hoạch (P/V TTXVN tại Cuba)

 Venezuela: Ai sẽ là chủ nhân của Dinh thự Miraflores?
Venezuela: Ai sẽ là chủ nhân của Dinh thự Miraflores?

Chỉ còn không đầy hai tuần nữa, gần 19 triệu cử tri Venezuela sẽ đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước để bầu chọn ra vị Tổng thống cho nhiệm kỳ 2013-2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN