Theo NBCNews, thông thường trong vụ chết người do súng bắn, người bóp cò súng là chịu trách nhiệm cơ bản. Những người khác có thể khuyến khích, hỗ trợ hoặc bao che vụ việc nhưng nhìn chung, luật pháp trừng phạt chính người bắn súng.
Nhưng vụ nam diễn viên Mỹ Alec Baldwin có thể là một trong những vụ hiếm hoi mà người nổ súng là bên có trách nhiệm ít nhất. Lý do là vì đây có thể không phải là tình huống bình thường, vì người bóp cò cho rằng họ không bắn súng đã nạp đạn.
Trên phim trường phim “Rust” ở New Mexico ngày 21/10, Baldwin đã nổ súng đạo cụ, giết chết đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins và làm đạo diễn Joel Souza bị thương. Chưa có cáo buộc nào tính tới chiều 22/10 và văn phòng cảnh sát trưởng cho biết đang điều tra sự việc.
Liên minh Quốc tế Nhân viên Sân khấu Địa phương 44 (IATST Local 44) cho biết nam diễn viên đã vô tình bắn một viên đạn thật duy nhất trong súng đạo cụ. Baldwin cho biết ông rất đau lòng sau sự việc và đã liên hệ với gia đình Hutchins, đồng thời hợp tác để điều tra vụ việc.
Phim trường là nơi mà diễn viên thường có ít trách nhiệm cá nhân về các đạo cụ mà thành viên đoàn phim đưa cho mình. Khi đạo cụ là súng, có nhiều người khác cũng liên quan. Trước tiên là người phụ trách vũ khí – người giám sát sử dụng vũ khí và hướng dẫn cách sử dụng an toàn. Người phụ trách đạo cụ thường là người thiết lập đạo cụ.
Xem video phim trường "Rust", nơi xảy ra thảm kịch (nguồn: News Nation)
Tiếp đó là điều phối viên hành động, người thường chịu trách nhiệm về tính an toàn của pha hành động nguy hiểm trong phim.
Thiết lập an toàn chung là trách nhiệm của trợ lý đạo diễn thứ nhất. Trợ lý đạo diễn thứ nhất có thể tổ chức họp về an toàn trước một pha mạo hiểm. Bất kỳ thứ gì liên quan vũ khí đều được rà soát và kiểm tra trước khi bắn. Trong khi đó, diễn viên chịu trách nhiệm diễn vai của mình.
Nếu IATST Local 44 chính xác khi nói có một viên đạn thật được bắn thay vì đạn rỗng thì vấn đề trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Theo quy tắc an toàn, đạn thật không bao giờ được dùng trên phim trường.
Kể cả súng dùng đạn rỗng cũng có thể nguy hiểm. Ví dụ, nếu diễn viên biết mình dang dùng đạn rỗng trong súng và biết rằng đạn rỗng có thể nguy hiểm nhưng vẫn bóp cò gần người khác thì đó có thể là lỗi cẩu thả.
Nếu Baldwin tin đoàn phim đã đưa cho mình súng đạo cụ và không có lý do gì phải nghĩ đó là súng đã nạp đạn, và nếu ông không làm gì vô trách nhiệm với khẩu súng mà ông cho là không phải súng thật thì cơ quan thực thi pháp luật có thể kết luận ông không phạm tội gì.
Có thể cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc các thành viên đoàn làm phim đã làm gì để xảy ra sự cố chết người này. Nếu hành vi của họ là phạm tội do bất cẩn, họ có thể bị cáo buộc. Tuy nhiên, nhiều khả năng hơn là sẽ có một vụ án dân sự cáo buộc đoàn làm phim, nhà sản xuất và công ty sản xuất phim tội bất cẩn.
Trước đó, năm 1993, nam diễn viên Brandon Lee đã qua đời trên phim trường phim “Quạ đen”. Brandon Lee đã trúng đạn từ súng đạo cụ. Nam diễn viên lập tức được chuyển đến bệnh viện tại Wilmington, North Carolina nhưng không qua khỏi sau 6 tiếng phẫu thuật.
Một tháng sau, công tố viên quận Bắc Carolina Jerry Spivey ra phán quyết cái chết của Brandon Lee là do sơ suất chứ không phải chủ ý, và minh oan cho Michael Massee, nam diễn viên đã nổ súng đạo cụ.