Ai Cập thông qua kế hoạch mở rộng kênh đào Suez

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 11/5 đã thông qua kế hoạch mở rộng và đào sâu thêm phần phía Nam của kênh đào Suez, sau sự cố tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt hồi tháng 3 vừa qua khiến giao thông qua kênh đào này bị đình trệ gần 1 tuần.

Chú thích ảnh
Siêu tàu MV Ever Given tại khu vực hồ Great Bitter trên kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu tại lễ khai trương một số dự án quan trọng của Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) tại tỉnh Ismailia, nhà lãnh đạo Ai Cập cho biết kế hoạch nâng cấp sẽ tập trung ở phần phía Nam kênh đào Suez, nơi sự cố tàu mắc cạn xảy ra trước đó.

Trong khi đó, người đứng đầu SCA Osama Rabie thông báo quá trình nâng cấp sẽ giúp cải thiện khả năng điều hướng của các tàu di chuyển bên trong kênh đào Suez. Theo đó, Ai Cập sẽ mở rộng kênh đào thêm 40m từ mốc km 122 đến km 162, đồng thời đào sâu thêm từ 19-21m cho đoạn này.

Ngoài ra, khoảng 10km trong tuyến đường thủy này (từ mốc km 122 đến km 132) cũng sẽ được mở rộng để cho phép các tàu có thể lưu thông theo hai chiều. Dự kiến, kế hoạch mở rộng và nâng cấp kênh đào Suez sẽ kéo dài trong tối đa 2 năm.

Siêu tàu chở container Ever Given bị mắc cạn trong kênh đào Suez hôm 23/3 vừa qua và được Ai Cập cùng các chuyên gia cứu hộ giải cứu thành công 6 ngày sau đó. Theo SCA, hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez bị đình trệ đã khiến quốc gia Bắc Phi này bị thiệt hại nguồn thu từ 12-15 triệu USD/ngày và ảnh hưởng không nhỏ tới vận tải hàng hải toàn cầu.

Sau vụ việc trên, Tổng thống El-Sisi đã cam kết tăng cường đầu tư phát triển để tránh lặp lại sự cố đóng cửa kênh đào Suez. Trong giai đoạn năm 2014-2015, Ai Cập từng chi hơn 8 tỷ USD để mở rộng phần phía Bắc của kênh đào Suez.

Việt Khoa (TTXVN)
Nhật Bản nhắm tuyến đường thay thế kênh đào Suez sau vụ tàu Ever Given mắc cạn
Nhật Bản nhắm tuyến đường thay thế kênh đào Suez sau vụ tàu Ever Given mắc cạn

Lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng, Nhật Bản tìm cách tăng cường hợp tác với Nga trong dự án tuyến đường sắt xuyên Siberia cùng hành lang vận tải đường biển phương bắc (NSR).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN