Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Sharm El-Sheikh, sáng kiến của Ai Cập được đưa ra tại phiên họp với chủ đề "Ngày Năng lượng", theo đó tập trung vào các giải pháp giúp châu Phi vượt qua những khó khăn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Phiên họp đã thảo luận các thách thức chủ chốt mà ngành năng lượng đang phải đối mặt. Các cuộc thảo luận đề cập vai trò của năng lượng tái tạo, mạng lưới điện thông minh, sử dụng năng lượng hiệu quả và lưu trữ năng lượng trong một hệ sinh thái năng lượng toàn diện nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry nhấn mạnh: "Năng lượng là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều CO2 nhất trong bất kỳ nền kinh tế nào. Do đó, đây là một trong những lĩnh vực chủ chốt nhất cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu có ý nghĩa, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Lượng khí thải ròng trên toàn cầu phải giảm một nửa vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050. Để đạt được điều này, chúng ta cần đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, bền vững và đáng tin cậy".
Các bộ trưởng năng lượng, lãnh đạo các tổ chức tài chính cũng như giới chuyên gia về an ninh năng lượng đã tranh luận các cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và các lộ trình dài hạn để chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào các chiến lược mà các quốc gia có thể áp dụng nhằm cải thiện an ninh năng lượng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và công nghệ đối với quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng thải ít CO2 đã được nêu bật trong phiên họp "Ngày Năng lượng". Phiên họp cũng xem xét cách thức phát triển chuỗi giá trị hydro xanh ở châu Phi và các nước đang phát triển nhằm mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm và góp phần đạt được các mục tiêu giảm phát thải toàn cầu.