Trong thư ngỏ, các nhà vận động đã kêu gọi các đại biểu tham dự COP27 thông qua một định nghĩa chung về tin giả và tin sai sự thật về khí hậu cũng như đề ra những biện pháp ngăn chặn vấn nạn này. Các nhà vận động cũng thúc giục lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter triển khai các chính sách siết chặt ngăn chặn tin giả lan tràn trên các nền tảng của mình giống như các hãng đã từng tiến hành chiến dịch chống tin giả về dịch COVID-19 trước đây.
Trong thư, các nhà vận động nhấn mạnh các nước không thể chống lại tình trạng biến đổi khí hậu nếu không giải quyết nạn tin giả, tin sai sự thật về biến đổi khí hậu. Các nhà vận động đề nghị các nhà lãnh đạo tham dự COP27 hành động mạnh mẽ và nhanh chóng trên quy mô toàn cầu.
Bức thư ngỏ đã nhận được chữ ký của 550 tổ chức và các cá nhân trong đó có cựu Thư ký điều hành Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 (COP 21) Christiana Figueres, nhà ngoại giao Laurence Tubiana, một trong những kiến trúc sư của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu - hiệp định cơ bản cho mục tiêu giảm khí thải trên toàn cầu.
Gửi kèm theo bức thư là kết quả một cuộc khảo sát về cách thức lan rộng tin giả về khí hậu được cho là diễn ra ở 6 nước lớn trên thế giới. Cụ thể, ít nhất 20% trong số những người được khảo sát ở Australia, Brazil, Anh, Đức, Ấn Độ và Mỹ tin vào những tin giả cho rằng tình trạng Trái Đất ấm lên hiện nay là hiện tượng tự nhiên chứ không phải do con người gây ra.
Trong khi đó, con người được xác định là thủ phạm gây ra tình trạng ấm lên trên toàn cầu trong các báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ). Kết quả khảo sát công bố ngày 15/11 cho thấy khoảng cách lớn giữa nhận thức của người dân và kết quả khoa học về các vấn đề cơ bản của biến đổi khí hậu như biến đổi khí hậu có tồn tại hay không, có phải do con người gây ra hay không.
Theo cuộc khảo sát, khoảng cách về nhận thức này làm suy yếu những nỗ lực hành động chống biến đổi khí hậu của người dân và tác động nghiêm trọng tới các cuộc đàm phán nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về hạn chế mức tăng nhiệt của Trái Đất.