Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Phi do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) thực hiện và công bố ngày 7/7, khoảng 30% dân số châu Phi, tương đương 425 triệu người, có thể sống dưới ngưỡng nghèo đói của thế giới khi thu nhập chưa đến 1,9 USD/ngày trong năm 2020. AfDB dự báo tình trạng này còn trầm trọng hơn nữa.
Sau châu Đại dương, châu Phi là lục địa chịu tác động ít nhất từ đại dịch khi đến nay chỉ ghi nhận tổng số gần 500.000 ca nhiễm và khoảng 11.700 ca tử vong. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế và việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh đã khiến nhiều người bị mất việc làm dẫn đến mất thu nhập, và gây tổn thất kinh tế ở toàn châu Phi. AfDB dự báo kịch bản tồi tệ nhất là sẽ có thêm từ 28,2 triệu đến 49,2 triệu người dân châu Phi rơi vào nghèo đói cùng cực trong năm nay và năm sau.
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, được dự báo sẽ chứng kiến số người nghèo cùng cực tăng cao nhất trong năm nay với khoảng từ 8,5 triệu đến 11,5 triệu người trong tổng số 200 triệu dân. Nguyên nhân là do giá dầu giảm cùng với những tác động kinh tế do đại dịch. Trong khi đó, tại CHDC Congo, nơi có đến 72% trong tổng số 90 triệu dân đã sống dưới mức nghèo đói, sẽ có thêm từ 2,7 triệu đến 3,4 triệu người khác bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực.
AfDB cũng dự báo châu Phi có thể phải hứng chịu một cuộc suy thoái lớn với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay giảm từ 1,7% đến 3,4%. Ngoài ra, theo báo cáo của AfDB, khoảng 24,6 triệu đến 30 triệu người sẽ bị thất nghiệp do ảnh hưởng đại dịch.
Hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của khu vực Nam sa mạc Sahara sẽ giảm 3,2% và thu nhập cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.