ADB kỳ vọng nền kinh tế Campuchia có thể hồi phục ở tốc độ 5,9% trong năm 2021 nhưng cũng nhấn mạnh dự báo này "rất không chắc chắn" và có thể thay đổi đột ngột do một loạt các yếu tố, trong đó có khả năng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát ở nước này. Theo ADB, tỷ lệ lạm phát của Campuchia năm 2020 ổn định ở mức 2,1% trước khi giảm xuống 1,8% trong năm 2021 do giá dầu thấp làm chi phí sản xuất và vận chuyển giảm theo.
Phát biểu trực tuyến ngày 23/9 trong buổi công bố triển vọng tăng trưởng kinh tế tháng 9/2020, Giám đốc quốc gia của ADB tại Campuchia, Sunniya Durrani-Jamal cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Campuchia phản ứng tốt với điều kiện kinh tế hiện nay thông qua việc đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với chuyển dịch cơ cấu, các biện pháp trên sẽ giảm tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch COVID-19 đối với các gia đình và doanh nghiệp, đồng thời giúp kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Theo chuyên gia kinh tế của ADB David Freedman, trong bối cảnh ngành du lịch và dệt may của Campuchia chịu nhiều tổn thất do tác động của đại dịch COVID-19 và đơn đặt hàng may mặc từ châu Âu và Bắc Mỹ giảm, sản xuất hàng phi dệt may của Campuchia lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt là xe đạp và các ngành liên quan đến công nghiệp phụ trợ trong đó có đồ điện tử. Xuất khẩu nông sản, trong đó có gạo, cũng tăng mạnh và có khả năng tăng hơn nữa trong tương lai khi Campuchia ký các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc và các đối tác tiềm năng khác.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) nhận định rằng nền kinh tế nước này sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục so với dự báo ban đầu, chủ yếu do lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh.
BoT đã giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 từ 5% xuống còn 3,6%, do đại dịch COVID-19 tiếp tục cản trở du lịch quốc tế. Tuy nhiên, ngân hàng này đã điều chỉnh triển vọng cho năm 2020, từ mức giảm 8,1% của dự báo ban đầu xuống 7,6%, sau khi GDP quý II/2020 giảm thấp hơn dự kiến.
Thư ký Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoT, ông Titanun Mallikamas, cho biết ngân hàng này đã hạ dự báo lượng khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm tới từ 16,2 triệu lượt người xuống 9 triệu lượt người. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh và tác động bên ngoài nghiêm trọng hơn dự kiến. Một số quốc gia phải đối mặt với số ca nhiễm cao hơn, làn sóng bùng phát thứ hai và các chính sách phong tỏa lâu hơn, làm ảnh hưởng đến du khách nước ngoài có kế hoạch tới Thái Lan. Với kịch bản này, hoạt động kinh tế tổng thể của Thái Lan có thể mất ít nhất hai năm mới có thể quay lại các mức trước đại dịch.
Trước đó, BoT đã cảnh báo ngành du lịch Thái Lan sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn trong năm tới nếu chính phủ tiếp tục hạn chế du khách nước ngoài. Năm 2019, Thái Lan đón 39,8 triệu lượt du khách nước ngoài - mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, nước này đã không đón du khách nước ngoài nào kể từ tháng 4, khi lệnh cấm du lịch được áp dụng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, số lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan chỉ đạt 6,69 triệu lượt người, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, BoT cũng hạ thấp tất cả các dự báo kinh tế của Thái Lan trong năm tới, trong đó chi tiêu cá nhân sẽ giảm từ 2,5% xuống còn 2%, đầu tư tư nhân và đầu tư công giảm lần lượt từ 5,6% xuống 4,2% và từ 14,1% xuống 11,4%. Xuất khẩu hàng hóa giảm từ 8,4% xuống 4,3% và nhập khẩu giảm từ 7,3% xuống 4,4%.