Biển quảng cáo mạng di động Viettel (Metfone) trên đường vào thành phố cảng Sihanuokville (Campuchia). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea nhận định về tổng thể, có nhiều tín hiệu lạc quan trong các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam được CDC thông qua.
Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà đầu tư Việt Nam chưa có sự đầu tư đồng đều trên 4 lĩnh vực lớn của nền kinh tế Campuchia, gồm may mặc- giày da, du lịch, nông nghiệp và bất động sản.
Cụ thể, đối với lĩnh vực may mặc - giày da, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trên lĩnh vực này còn rất khiêm tốn, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 800 - 900 doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực này tại Campuchia.
Ngược lại, trên lĩnh vực du lịch, mặc dù không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh khách sạn tại Campuchia, nhưng bù lại, lượng du khách Việt Nam đến Campuchia luôn đứng vị trí hàng đầu trong 5 năm gần đây.
Ông dự đoán trong thời gian tới, du khách Việt Nam vẫn chiếm số lượng lớn trong số du khách nước ngoài đến Campuchia, qua đó góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea khẳng định lĩnh vực này thu hút được sự đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đầu tư trồng cây cao su.
Nguyên nhân các nhà đầu tư Việt Nam luôn đứng đầu trong lĩnh vực này là do họ đều nhận thấy Campuchia có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng, cũng như sự tạo điều kiện của Chính phủ Campuchia đối với nhà đầu tư Việt Nam trong việc cho thuê đất tô nhượng kinh tế.
Đối với lĩnh vực bất động sản không thuộc quyền quản lý của CDC, ông Sok Chenda Sophea cho biết các thông tin ông nắm được cho thấy các nhà đầu tư Việt Nam chưa tham gia đầu tư các dự án cao ốc hay các dự án bất động sản lớn nào tại Campuchia.
Nhận định về những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế Campuchia, ông Sok Chenda Sophea đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp của dịch vụ viễn thông của công ty Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Campuchia.
Ông cho biết mạng di động Viettel thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel hiện giữ vị trí nhất nhì tại Campuchia, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông ngày càng góp phần mang lại những thay đổi đổi tích cực đối với đời sống người dân nước này.
Bên cạnh đó, đối với các dự án trồng cây cao su, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea cũng nhận định các nhà đầu tư Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá bền vững lâu dài, cũng như tham gia hỗ trợ, đóng góp, nâng cao dịch vụ y tế, giáo dục, mang lại sự phát triển thịnh vượng cho cư dân địa phương tại các vùng có dự án.
Đề cập đến việc áp dụng chính sách của Campuchia dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Sok Chenda Sophea khẳng định Campuchia luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam.
Ông cho biết từ năm 1994, Campuchia đã thông qua Luật Đầu tư, có nhiều điểm đặc biệt mang đến môi trường kinh doanh tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài, tương tự như những nhà đầu tư Campuchia, chỉ khác nhau ở quyền sở hữu đất đai. Trong đó quyền sở hữu đất đai chỉ áp dụng cho các nhà đầu tư Campuchia.
Ngoài vấn đề trên, các nhà đầu tư nước ngoài có đầy đủ quyền sở hữu trên mọi lĩnh vực. Ông lấy ví dụ về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bảo lãnh tài chính, viễn thông, theo đó tại một số nước, các doanh nghiệp nước ngoài không được phép chiếm trên 50% cổ phần.
Tuy nhiên, Campuchia đã mở rộng, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn cổ phần để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam.
Theo ông, hiện một số ngân hàng tại Campuchia có vốn đầu tư 100% của Việt Nam và công ty Viettel cũng chiếm 100% vốn cổ phần tại công ty Metfone.